Mới đây, khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Tự do tôn giáo, trong đó tiếp tục đề cập những thông tin thiếu khách quan và chưa được kiểm chứng,

Trong cuộc họp báo ngay sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh: “Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tuy vậy, tự do tín ngưỡng và tôn giáo phải luôn được thực hành trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc và điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của đất nước.

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sôi động và đa dạng

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia đa tôn giáo. Không khí dân chủ và tự do tôn giáo không chỉ thể hiện trên các văn bản pháp quy của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà bằng thực tế sống động đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi động; các tôn giáo đều có sự phát triển về số lượng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành; cơ sở thờ tự được xây dựng mới nhiều; các tôn giáo đều được tự do quan hệ quốc tế qua đó góp phần tạo lập vị thế, uy tín của mình đối với các tổ chức tôn giáo trên thế giới.

Theo quan sát ngoài đời sống xã hội, các tôn giáo ở Việt Nam đang được sống đời sống tôn giáo và đời sống xã hội ngày một hồ hởi hơn, sống động hơn trong bầu không khí chung của sự đồng thuận xã hội ngày càng mở rộng.

Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân.

{keywords}
Ảnh minh họa

95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân. Tính đến năm 2018, có 12 báo, tạp chí liên quan tôn giáo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.

Việc ra đời các tổ chức tôn giáo phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.

Trong 6 năm qua, hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng triệu CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản Vesak, 500 năm cải chính đạo Tin lành…

Điều đáng nói, tự do tôn giáo các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm: năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; ở Bình Phước và Tây Nguyên có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm; ở Tây Bắc có 693 điểm nhóm Tin lành, 8 Hội thánh cơ sở được thành lập; nhiều điểm nhóm của người dân tộc thiểu số theo Hội thánh Lutheran, Hội Liên hữu Baptist Việt Nam đã đăng ký sinh hoạt tập trung...

Quan trọng hơn, các tôn giáo được tự do hành lễ, dù ở nhà riêng hay các nơi thờ tự; được tạo điều kiện mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự, được mở các trường đào tạo những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo hội, được Nhà nước tạo điều kiện phát triển các quan hệ giao lưu quốc tế…

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước, dân tộc.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng tôn giáo trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

{keywords}
Lễ cầu an trong ngày Tết của ngươi Khơ me 

Điều 24, Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp quy khác như Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016)..., Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ 15/11/2004, đã thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngày 1/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2005/NĐ-CP để hướng dẫn một số điều trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, tháng 11/2012, Việt Nam đã ban hành Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân…

Đặc biệt, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện: Kỷ niệm 500 năm cải chánh Đạo Tin lành, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak vừa được tổ chức vào tháng 5/2019, Tổng Hội dòng Đa minh thế giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Các sự kiện này cho thấy những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống người dân, phát triển đất nước cũng như tích cực cùng nhân loại xây đắp, củng cố hòa bình trong khu vực và trên thế giới, xây dựng quan hệ bình đẳng cùng có lợi giữa các quốc gia để cùng phát triển.

Những thực tế trên cho thấy, Báo cáo công bố năm 2020 về tình hình tôn giáo năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn có những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam.

“Việt Nam tiếp tục duy trì và sẵn sàng tăng cường hợp tác, trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, trong đó có đối thoại nhân quyền thường niên; qua đó, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo.

Vũ Lụa

Ảnh: Bích Hạnh