Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris. Các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030 được xác định cho các lĩnh vực như sau:

Lĩnh vực năng lượng: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất và sử dụng năng lượng trong các phân ngành công nghiệp năng lượng; sản xuất công nghiệp và xây dựng; giao thông vận tải; gia dụng, nông nghiệp và dịch vụ thương mại.

{keywords}
Ảnh minh họa

Lĩnh vực nông nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất; công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong quản lý đất rừng, đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước và các loại đất khác và phát triển các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon, bảo tồn đất.

Lĩnh vực quản lý chất thải: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn đặc thù nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính.

Lĩnh vực các quá trình công nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hoá chất và quản lý việc tiêu thụ các chất HFCs.

Văn Dương