Chủ động và tích cực thúc đẩy quyền con người

Bên cạnh những nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật quốc gia về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam luôn chủ trương đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, đặc biệt là việc tham gia thực hiện về cơ bản đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người nhằm thể hiện quyết tâm cao của Nhà nước ta trong việc thúc đẩy và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản cho người dân Việt Nam theo đúng các chuẩn mực quốc tế.

{keywords}
Ảnh minh họa

Năm 2020, với vai trò kép Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội rộng mở. Đây là dịp để Việt Nam tận dụng phát huy hơn nữa vị thế quốc gia trên trường quốc tế, nắm lấy những cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng cùng những nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tạo điều kiện để bảo đảm tốt hơn nữa quyền của người dân.

Năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động và gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền thương lượng tập thể. Công ước 98 là 1 trong 8 công ước cốt lõi của ILO trong khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Đây là công ước mang tính bản lề, trở thành một cấu phần quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay FTA giữa Việt Nam và EU, cũng như trong phần lớn chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia.

Việt Nam cũng đã bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước về các quyền dân sự, chính trị, một trong những công ước được xem là “khó” và thu hút được sự quan tâm cao của dư luận quốc tế. Phiên bảo vệ đã diễn ra thành công trên tinh thần trao đổi thẳng thắn. Việt Nam đã giải đáp rõ ràng với lập luận vững chắc về chính sách và pháp luật của Việt Nam về quyền con người, cũng như thực tiễn triển khai các nghĩa vụ theo Công ước. Chúng ta cũng cung cấp thông tin để giúp cho các thành viên Ủy ban công ước hiểu rõ hơn về tình hình thực tế Việt Nam, nhất là khi một số ủy viên còn tiếp cận với những thông tin không chính thống và không được kiểm chứng.

Từ rất sớm (1982), Việt Nam đã chủ động đăng ký trở thành thành viên của 4 công ước quốc tế quan trọng của Liên hiệp quốc về quyền con người bao gồm: Công ước về các quyền dân sự và chính trị (1966); Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (1969).

Không lâu sau đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các công ước quốc tế quan trọng khác liên quan đến nhân quyền như: Công ước về quyền trẻ em (1989) và hai nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm; Công ước về quyền của người khuyết tật (2006); Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người...

Sau khi trở thành thành viên Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1994, Việt Nam đã tham gia 20 công ước về quyền lao động như Công ước về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; Công ước về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; Công ước về chính sách việc làm; Công ước về lao động hàng hải v.v.

{keywords}
Ảnh minh họa


Liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, Việt Nam cũng tích cực tham gia vào hầu hết các công ước như Nghị định thư bổ sung Công ước Giơ-ne-vơ về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế; Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng (1948); Công ước quốc tế về ngăn chặn và trừng trị tội ác A-pác-thai (1973); Công ước quốc tế về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với các tội phạm chiến tranh và tội ác chống nhân loại (1968); Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2000)…

Thể hiện cách tiếp cận xây dựng, cân bằng và toàn diện về quyền con người

Việt Nam coi trọng hợp tác với Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền và coi đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

Tại các diễn đàn, Việt Nam không chỉ khẳng định được chính sách và thành tựu của Việt Nam về tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, mà còn đóng góp thực chất vào nỗ lực chung thúc đẩy các giá trị về quyền con người, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tăng cường xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình nghị sự toàn cầu quan trọng như về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, di cư…

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thể hiện cách tiếp cận xây dựng, cân bằng và toàn diện về quyền con người, từ những nội dung về quyền phát triển, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền nước sạch, quyền giáo dục, cho đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, quyền tiếp cận y tế và các dịch vụ xã hội, cho tới các chủ đề về khủng hoảng di cư, chủ nghĩa khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm ma túy, phòng, chống mua bán người…

Hơn 10 năm trước, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA), Việt Nam chủ trì và thúc đẩy hai sáng kiến quan trọng là Tuyên bố Chủ tịch về “Trẻ em và xung đột vũ trang” và Nghị quyết 1889 về “Phụ nữ và hòa bình, an ninh”. Việt Nam là 1 trong ba nước đang phát triển đã đưa dự thảo điều khoản quy định về “Hợp tác quốc tế” vào thành một điều khoản chính trong nội dung dự thảo Công ước về Quyền của người khuyết tật, làm cơ sở để cả nước đang phát triển thảo luận và soạn thảo Công ước nêu trên.

10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, Việt Nam lại đắc cử Ủy viên không thường trực của HĐBA với 192/193 phiếu ủng hộ. Chỉ 6 tháng sau khi đắc cử, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tại khu vực, Việt Nam là thành viên tích cực trong quá trình hình thành và hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), được thành lập tháng 10/2009 và các cơ quan khác của ASEAN liên quan về quyền con người như Ủy ban ASEAN về bảo đảm và thúc đẩy các quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC), Ủy ban ASEAN về lao động di cư (ACMW),…

Nhà nước Việt Nam cũng tích cực đóng góp trong việc soạn thảo Tuyên bố Nhân quyền ASEAN, được Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN thông qua tháng 11/2012. Đây là văn kiện đầu tiên phác thảo khuôn khổ tăng cường hợp tác và bảo vệ nhân quyền ở khu vực, là sự cam kết của các nước ASEAN trong việc tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản.

Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác song phương về quyền con người chính là việc Việt Nam thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người với một số nước và đối tác như Hoa Kỳ, EU, Úc, Na Uy Thụy Sỹ (riêng với EU, do cơ chế Chủ tịch Troika luân phiên 6 tháng/lần, đối thoại được tiến hành hai lần một năm).

Việt Nam và các nước nêu trên đều coi trọng và đánh giá cao đối thoại về quyền con người. Các cơ chế đối thoại diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, có nội dung thực chất và đã phát huy kết quả tích cực, thu hẹp khác biệt, không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, mà còn là kênh trao đổi các kinh nghiệm tốt nhất của mỗi bên và giải quyết được nhiều vấn đề quyền con người hai bên cùng quan tâm.

Từ năm 2006, Úc và Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình hợp tác kỹ thuật về quyền con người giữa cơ quan Việt Nam và Úc, nhằm hỗ trợ cơ chế đối thoại về quyền con người. Theo đó, gần đây nhất, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác 3 năm (2019-2021) về giáo dục quyền con người giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cơ quan thường trực Đề án, và Ủy ban Quyền con người Úc.

Có thể thấy, trong các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, Việt Nam luôn thể hiện hình ảnh tích cực, chủ động và có những đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trên tinh thần đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Hải Văn