Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển

Tôn trọng và bảo vệ quyền con người là chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Với cam kết mạnh mẽ đó, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31/12/2019). Ngay trong năm đầu thực hiện Kế hoạch tổng thể, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu bước đầu, nhưng vẫn còn nhiều thách thức to lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tại Hội thảo về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19, hôm 15/12, ông Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã nhấn mạnh, Hội thảo diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 72 năm ngày thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10/12), nơi ghi dấu những giá trị, khát vọng và mục tiêu chung của nhân loại. Đây cũng là giá trị mà Chính phủ và người dân Việt Nam chia sẻ, phấn đấu và hướng tới kể từ khi Nhà nước Việt Nam hiện đại ra đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

Trong sự nghiệp Đổi mới toàn diện hiện nay, Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; mọi chủ trương, đường lối của Nhà nước Việt Nam đều hướng tới làm cho “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, lấy người dân làm trung tâm, để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của nhân dân. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển đất nước, tạo ra các điều kiện vật chất và nguồn lực để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương. Đến nay, Việt Nam về cơ bản kiểm soát không để dịch COVID-19 lây lan rộng trên phạm vi toàn quốc, tiến tới trạng thái “bình thường mới”. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 đạt mức 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Quốc hội Việt Nam cũng đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6% trong năm 2021.

Trong ứng phó với dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú ý bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, kịp thời thông qua các biện pháp như các gói hỗ trợ an sinh xã hội, với tổng kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD) để hỗ trợ hơn 20 triệu người thuộc nhóm người nghèo, người khuyết tật, người già, người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc bị giảm thu nhập… nhanh chóng ổn định cuộc sống. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã liên tục có những chuyến bay hỗ trợ người dân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi… có nhu cầu hồi hương về nước.

{keywords}
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các nước, các đối tác quốc tế, khu vực trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19. Một trong những sáng kiến của Việt Nam là đề xuất thành lập Ngày thế giới sẵn sàng chống dịch bệnh (27/12) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận ngày 7/12 vừa qua, với 107 nước đồng bảo trợ. Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức trong hệ thống của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, cá nhân kỷ niệm Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống dịch bệnh, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.

Nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện UPR chu kỳ III được ghi nhận

Năm 2020 là năm thứ hai Việt Nam triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện về việc thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III vào cuối năm 2021 và Báo cáo UPR chu kỳ IV vào đầu năm 2024.

{keywords}
Ảnh minh họa

Cũng trong năm nay, khi bùng phát, dịch COVID-19 tác động xấu cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, dẫn đến việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản bị tác động mạnh, nhất là quyền sống, được bảo đảm sức khỏe. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng, minh bạch đưa ra các chính sách, biện pháp hiệu quả với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận.

Toàn thế giới đang đứng trước thực trạng một số quyền con người, bao gồm các quyền xã hội, kinh tế, dân sự và chính trị, bị ảnh hưởng và các nhóm dễ bị tổ thương có nguy cơ bị bỏ lại xa hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và thiên tai, Việt Nam không phải là ngoại lệ, bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú của UNDP Việt Nam nhận định.

Ghi nhận và đánh giá cao về  các cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, gồm cả việc thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, bà Caitlin Wiesen khuyến nghị trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục coi quyền con người và nhân phẩm là trọng tâm của mọi hành động; tiếp tục tập trung thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các quy trình về công ước quốc tế về nhân quyền (như là UPR, ICCPR, CRPD, CAT…); áp dụng các bài học kinh nghiệm từ ứng phó đại dịch COVID-19 vào việc thực hiện các khuyến nghị UPR để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

 

Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật, được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Trong chu kỳ III, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó. Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch Tổng thể thực hiện các Khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận tại Quyết định số 1974/QĐ-TTg.

 

Tuấn Anh