Theo báo của Tỉnh ủy Vĩnh Long, giai đoạn 2011- 2019, toàn tỉnh có tổng số nhà ở được xây dựng mới, cải tạo sửa chữa từ bán kiên cố trở lên là 61.747 căn. Trong đó, hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nhà ở cho gia đình có công với cách mạng và hộ nghèo với 20.349 căn để từng bước đảm bảo các gia đình chính sách, đảng viên có nhà ở từ bán kiên cố trở lên.

Song song đó nhiều dự án nhà ở tại các đô thị đã hình thành với 1.548 căn được xây dựng. Tỉnh đã tích cực vận động nhân dân cải tạo, xây dựng nhà ở gắn liền với Chương trình xây dựng nông thôn mới và kế hoạch chỉnh trang đô thị, nâng nhà ở từ bán kiên cố trở lên toàn tỉnh lên 264.059/296.223 căn, đạt tỷ lệ 89,1%, tăng 14,9 điểm phần trăm so với năm 2010 và tăng 5% điểm phần trăm so với năm 2015. Dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh có hơn 90% nhà từ bán kiên cố trở lên, cơ bản xóa nhà ở đơn sơ, ước đạt chỉ tiêu Chương trình đề ra.

{keywords}
Mục tiêu đến 2020, xóa hết nhà ở đơn sơ trên phạm vi toàn quốc

Được biết, đến nay tỉnh còn 10,83% nhà ở đơn sơ cần sửa chữa, nâng cấp để đạt bán kiên cố. Con số này thấp hơn nhiều so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (19,2%) nhưng cao hơn bình quân cả nước (6,86%). Tỷ lệ nhà kiên cố của tỉnh đến cuối năm 2019 đạt 65,4%, thấp hơn 4,6% so với tỷ lệ bình quân cả nước đến năm 2020. Trong đó khu vực đô thị đạt 77,1%, cao hơn mục tiêu bình quân cả nước (75%) và khu vực nông thôn đạt 62,9%, thấp hơn bình quân cả nước (65%). 

Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Nhà nước ban hành chính sách thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Quyết định 2127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến 2020: Tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%, trong đó tại đô thị đạt trên 75%, tại nông thôn đạt 65%; xóa hết nhà ở đơn sơ trên phạm vi toàn quốc; nâng tỷ lệ hộ gia đình có công trình phụ hợp vệ sinh lên 90%, trong đó tại đô thị đạt xấp xỉ 100% và tại nông thôn đạt trên 80%.

Tuyết Nhung 
Ảnh: Thanh Hùng