Tại một buổi chia sẻ gần đây về quản lý quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc  cho hay, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng từ 23 - 25 khu công nghiệp. Tổng quỹ đất là khoảng 7.000ha. Đây được xem là  bước phát triển quan trọng để tỉnh hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng với một số tập đoàn lớn vào đầu tư.

{keywords}
Vĩnh Phúc sẽ hình thành các trung tâm công nghiệp và đón đầu dòng vốn FDI

Tính đến năm 2021, Vĩnh Phúc đã có 14 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 2.773ha. Diện tích đất công nghiệp quy hoạch là hơn 2.000ha.

Có 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là Khai Quang (216.24ha), Bình Xuyên (286.98ha), Kim Hoa (50ha), Bá Thiện (325.75ha), Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42.21ha), Bá Thiện II (308.83ha), Tam Dương II - Khu A (135.17ha), Thăng Long Vĩnh Phúc (213ha).

6 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong quý I/2021 gồm: Sông Lô II, Tam Dương I - KV2, Sông Lô I, Nam Bình Xuyên, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II - giai đoạn 1).

Hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã cho ra đời những sản phẩm chủ lực với số lượng lớn, chất lượng tốt và có sức cạnh tranh cao trên thị trường; góp phần gia tăng xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Theo ông Phương, để hoàn thành mục tiêu xây dựng từ 23 - 25 khu công nghiệp, Vĩnh Phúc phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, trong đó là đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp. 

Hiện nay, hệ thống giao thông chậm được đầu tư hoặc đã xuống cấp, chưa kịp thời duy tu bảo dưỡng. Việc quản lý chung chưa tốt, tình trạng họp chợ, quán bán hàng gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các dự án đầu tư, khu công nghiệp mới được bố trí phát triển chủ yếu tập trung gần các đô thị lớn trong tỉnh, có vị trí tiếp gần với Thủ đô Hà Nội, thị trường lớn và có các điều kiện về hạ tầng tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo khai thác, phát triển các khu công nghiệp tại các khu vực gò đồi, đất xấu, hạn chế quy hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp theo định hướng đề ra.

Hà Lan