Văn hóa giữ vị trí đặc biệt và vai trò quan trọng trong sự điều tiết, vận động mọi mặt của xã hội; là động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội; kích thích sự sáng tạo và đánh thức những năng lực tiềm ẩn của con người.

Văn hóa chính là những dấu ấn của một cộng đồng người, một dân tộc được ghi lại, trao truyền cho các thế hệ kế tiếp trong phong tục, tập quán, thói quen, nghi lễ, tôn giáo; trong cách thức ứng xử, giao lưu, quan hệ xã hội; trong luật pháp cũng như trong các công trình kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật.

Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, PGS, TS. Nguyễn Thị Phương Châm,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu 5 vấn đề: 

Thứ nhất, ưu tiên tối đa các nguồn lực để xây dựng con người Việt Nam toàn diện ở các phương diện thể lực, trí lực, kĩ năng sống, đạo đức, nhân cách, lối sống, tâm hồn, năng lực làm việc, tôn trọng pháp luật. Bồi dưỡng nhân cách con người luôn là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài nên cần có sự kiên nhẫn, nỗ lực hợp tác giữa các cá nhân, các cấp, ngành quản lý, các cơ sở đào tạo và cả xã hội.

{keywords}
Bảo tồn bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, nhận diện rõ và khắc phục tối đa tình trạng suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, lấy lại niềm tin trong xã hội. Cần phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến tha hóa đạo đức, lối sống, gây hậu quả cho xã hội để răn đe và làm trong sạch đời sống xã hội.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới giáo dục ở tất cả các cấp học và các môi trường giáo dục khác nhau. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục kiến thức khoa học với giáo dục tư tưởng, nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, lối sống cho người học, minh bạch trong việc dạy và học, chống lại các tiêu cực trong ngành giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh. Công tác giáo dục, nhất là trau dồi, bồi dưỡng về văn hóa cần được xác định không phải là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục hay ngành văn hóa mà là trách nhiệm của cả xã hội. Giảm dần sự chênh lệch trong giáo dục, chăm lo sức khỏe, trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, các tộc người. Tránh các gánh nặng về giáo dục, y tế cho các khu vực đô thị, trung tâm. Thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa về giáo dục.

Thứ tư, làm rõ hệ giá trị con người Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử khác nhau và hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Nhận diện rõ các xu hướng biến đổi văn hóa trong xã hội để kịp thời có định hướng hợp lý, tránh chiều hướng tiêu cực, hoang mang, thậm chí mất phương hướng của một bộ phận người dân. Các bài học về giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị văn hóa cần được chuyển tải một cách sinh động, thiết thực hằng ngày để lan tỏa sâu rộng và thường xuyên trong xã hội. Tạo dựng giá trị văn hóa, bồi đắp tính nhân văn cho con người trên cơ sở nhìn nhận con người cần có sự hài hòa giữa ba mối quan hệ cơ bản là quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội, với chính bản thân và vận hành các mối quan hệ này trên nền tảng nhân văn. Xây dựng cơ chế để lan tỏa những giá trị, những hành vi tốt đẹp, những gương người tốt, việc tốt để nêu gương và trau dồi văn hóa ứng xử của mọi người dân, đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, hướng con người tới mục đích nhân văn và sự phát triển toàn diện.

Thứ năm, phát triển con người cần gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình, bởi gia đình là môi trường quan trọng tạo dựng và bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, thể lực, trí lực cho con người. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương và bảo hiểm cho công chức, viên chức, người lao động, gia tăng nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội để chăm lo tốt hơn cho con người.

Hằng Nga