Người lao động nông thôn nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định: Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg (Đề án 1956), nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về dạy nghề, phát triển nhân lực nông thôn, người dân có sự nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp; học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, cho năng suất thu nhập cao hơn.

{keywords}
Xây dựng NTM: Chú trọng thay đổi nhận thức về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Các địa phương ngày càng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn không chỉ huy động các cơ sở đào tạo nghề, còn thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường (trung cấp, cao đẳng, đại học), lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập, tuyển dụng học viên sau khóa học.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người). Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt 80,4%. 

Theo thống kê của các địa phương, gần 350.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã có việc làm, thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề. Gần 300.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương, trở thành hộ có thu nhập khá. Gần 200.000 người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm, thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới. Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học, chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Kết quả trên đã góp phần thực hiện các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới như: Nâng tỷ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2009 lên 59,5% cuối quý I/2019; vượt chỉ tiêu chung về tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của cả nước và vùng Bắc Trung bộ Duyên hải miền Trung trong xây dựng nông thôn mới 19,5%; vượt chỉ tiêu lao động có việc làm qua đào tạo ở hai vùng phát triển nhất (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ) 35%, ở 3 vùng còn lại (Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long) là 15%.

Hướng đến hoàn thành mục tiêu vào cuối năm 2020

Theo Vụ trưởng vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đào Văn Tiến, để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề các trình độ cho khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn trong giai đoạn từ năm 2021-2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các hoạt động trong năm 2020.

Cụ thể, tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nông nghiệp; đào tạo nghề phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, gắn với thực hiện "Chương trình mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP"; xây dựng Dự án "Đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách thực hiện giảm nghèo bền vững" trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Đồng thời, các địa phương rà soát, đánh giá, tổ chức tổng kết Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa bàn; xây dựng kế hoạch hàng năm, trung hạn về chỉ tiêu đào tạo, nguồn lực thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong việc đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội. Các cấp, ngành, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào năm 2020, tránh hình thức trong việc đánh giá kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề nói chung.

Bích Hạnh
Ảnh: Vũ Lụa