Sự gia tăng của mã độc tống tiền có chủ đích

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển, ứng dụng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, công nghệ sinh học,… Điều này sẽ hình thành nên nhiều lĩnh vực mới như Internet công nghiệp, thành phố thông minh, Chính phủ điện tử hoạt động trên môi trường không gian mạng, tạo sự đột phá về phát triển kinh tế, chính trị và xã hội.

Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, viễn thông, Internet mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến hết tháng 01/2020, Việt Nam có 68,17 triệu người sử dụng Internet (chiếm 70% dân số). Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức, hiểm họa khôn lường từ không gian mạng.

Theo đó, các khảo sát công bố gần đây đã nhấn mạnh sự gia tăng về số lượng các vụ tấn công xâm nhập, mã độc tống tiền (ransomware) và rò rỉ dữ liệu trong các doanh nghiệp, tổ chức cũng như số lượng các vụ tấn công giả mạo... 

Các nghiên cứu cũng chỉ rõ sự gia tăng của mã độc tống tiền có chủ đích và các nguy cơ tấn công mạng khác đối với người dùng và doanh nghiệp Đông Nam Á khi tăng cường hoạt động trên môi trường online. 

Giám đốc Nhóm nghiên cứu và phân tích toàn cầu khu vực APAC của Kaspersky ông Vitaly Kamluk  từng cho biết, có sự hiện diện của các nhóm mã độc tống tiền hàng đầu tại khu vực nhằm vào các ngành: hàng không vũ trụ và kỹ thuật; sản xuất và mua bán thép tấm; các công ty đồ uống; dịch vụ khách sạn và lưu trú; các dịch vụ CNTT... 

Trong số các dòng mã độc khét tiếng, Maze là một mã độc tống tiền đầu tiên thực hiện những chiến dịch như vậy.

Đặc biệt, nhóm tin tặc đứng sau mã độc tống tiền Maze làm lộ dữ liệu của những nạn nhân từ chối trả tiền chuộc không chỉ một lần. Chúng làm lộ 700 MB dữ liệu nội bộ trên mạng ở thời điểm tháng 11/2019 và còn cảnh báo thêm rằng, số tài liệu đã công bố mới chỉ bằng 10% lượng dữ liệu mà chúng đã đánh cắp.

Ở nước ta, tháng 9 vừa qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã phát hiện trên trang mạng Raid****** rao bán gói dữ liệu chứa thông tin khoảng 41 triệu người dùng Việt Nam.

Đến tháng 10, dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng diễn đàn GameVN lại tiếp tục bị tung lên trên trang mạng này...

{keywords}
Việt Nam đang triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Ảnh minh họa

An toàn thông tin mạng là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số

Trong phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng lần thứ 5 (AMCC-5) và Phiên họp đặc biệt giữa Bộ trưởng các nước ASEAN với các nước đối tác/đối thoại theo hình thức trực tuyến mới đây, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an – Trưởng đoàn Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu của Chính phủ, các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. Hệ thống thông tin quan trọng của nhiều cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên trở thành mục tiêu bị tin tặc tấn công.

Việt Nam đang triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Trong quá trình chuyển đổi số này, an ninh, an toàn thông tin mạng là yếu tố then chốt tạo ra môi trường an toàn cho chuyển đổi số.

Bộ Công an Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực thi pháp luật trong đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường bảo đảm an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng này; qua đó, góp phần đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và an toàn.

Hướng đến môi trường không gian mạng an ninh, an toàn

Ngày 01/4/2015, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 đã thông qua Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu”. Tháng 9/2019, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), 20 quốc gia đã ký thỏa thuận ngăn chặn lan truyền tin giả trực tuyến. Đây là những tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế, là cơ sở để tiến tới xây dựng một điều ước quốc tế về bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nổi lên gay gắt, khó lường. “Cuộc chiến” bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng vẫn tiếp tục nóng lên ở cả mức độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Để giải quyết vấn đề đó, ASEAN đã chủ động thiết lập các diễn đàn khu vực để thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, phối hợp lập trường trong việc thực thi các chuẩn mực bảo đảm an ninh mạng.

Theo đó, kể từ năm 2016, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng đã được tổ chức thường niên, thu hút được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo cấp cao của Chính phủ các nước thành viên ASEAN cũng như các chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới.

Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong khối ASEAN, năm 2019, Việt Nam đã cùng với Singapore và Brunei chính thức cử cán bộ tham gia Nhóm công tác ASEAN về phòng, chống tội phạm mạng và sử dụng công nghệ cao (ASEAN Desk) đặt tại Tổ hợp Interpol toàn cầu (IGCI), Singapore.          

Hàng năm, Việt Nam cũng tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố cho mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia, ứng cứu sự cố theo ngành, lĩnh vực quan trọng. Tại cấp độ quốc tế, Việt Nam đã thực hiện chủ trì tổ chức diễn tập các tổ chức CERT khu vực Đông Nam Á (ACID 2018), tham gia với vai trò đồng chủ trì diễn tập trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Nhật Bản. 

Ngay từ khi triển khai cơ chế hợp tác ASEAN trong lĩnh vực này, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia cùng các nước ASEAN thảo luận, thúc đẩy các sáng kiến, cơ chế phối hợp trong xây dựng chính sách, hướng đến xây dựng các bộ quy tắc, tiêu chuẩn chung về an ninh mạng trong khu vực dựa trên các nguyên tắc. Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đã tích cực triển khai lộ trình xây dựng quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo 11 chuẩn mực được khuyến nghị trong Báo cáo năm 2015 của Nhóm Chuyên gia Chính phủ được Liên hợp quốc bảo trợ về Phát triển trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang thúc đẩy hình thành hệ sinh thái sản phẩm công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng “Make in Viet Nam”. Đây là nỗ lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và kiểm soát chuỗi cung ứng về công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng hướng tới một môi trường mạng tin cậy hơn. 

Nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng duy trì một không gian mạng lành mạnh, an toàn và hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Việt Nam nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng các quy tắc ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng nhằm góp phần duy trì một không gian mạng lành mạnh, an toàn và giúp cho việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hiệu quả hơn. Vấn đề này càng trở nên cấp bách khi thế giới và khu vực đang chứng kiến sự thay đổi to lớn của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19.

Đắc Vịnh