Với cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc, quyết tâm chính trị cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo, một bảo đảm vững chắc cho quyền con người ngày càng tốt hơn. Đó cũng là cơ sở để bác bỏ mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc về bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam.

{keywords}
Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo, một bảo đảm vững chắc cho quyền con người ngày càng tốt hơn.

Nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo cho mọi người dân đều có việc làm, có cơm ăn, áo mặc, học hành và được, chăm sóc về thể chất,tinh thần. Bởi, “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Đảng ta luôn “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã ký kết”.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “Vì người nghèo” mang đậm chất nhân văn đã lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, bằng những nội dung, hình thức thiết thực; công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được thế giới công nhận.

Thực tiễn đã được cuộc sống đúc kết rằng, vấn đề nghèo khó không được giải quyết thì không có một mục tiêu nào mà cộng đồng quốc tế, cũng như quốc gia đặt ra như tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống, hòa bình, ổn định, bảo đảm các quyền con người được thực hiện, Nhà nước ta đã coi Chương trình xóa đói giảm nghèo là một trong bảy chương trình mục tiêu quốc gia và đã có những ưu tiên đặc biệt về nguồn nhân lực, vật lực cho chương trình này.  

{keywords}
Thành quả lớn nhất đó là công tác an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Ảnh LAD

Tại Hội nghị Liên hợp quốc ngày 11/11/2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGS) về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015). 

Tăng trưởng kinh tế cao được duy trì đã góp phần giúp các hộ gia đình tăng thu nhập. Số liệu Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam giai đoạn 2012-2016, cho thấy thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 2.380.000 đồng/tháng lên 2.911.000 đồng/tháng (tăng trung bình khoảng 5,16%/năm). Chi tiêu bình quân cũng tăng theo, từ 2.218.000 đồng/tháng lên 2.712.000 đồng/tháng trong cùng thời kỳ (tăng trung bình khoảng 5,15%/năm). Mức thu nhập và chi tiêu gia tăng trong giai đoạn này đã tạo tiền đề quan trọng cho việc giảm nghèo của các hộ gia đình.  Tỷ lệ nghèo theo chi tiêu, thu nhập và nghèo đa chiều giảm mạnh từ mức 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 2016-2020 cũng giảm từ 15,9% năm 2012 xuống 9,1% năm 2016.

Các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo càng có thêm động lực mới sau khi Chính phủ công bố “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” với nguồn ngân sách 41.449 tỷ đồng. Chính phủ cũng dành 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng. Các chương trình như xây dựng nông thôn mới, cho các hộ nghèo vay vốn để sinh kế... đã giúp phát triển hạ tầng ở các vùng quê, tạo điều kiện để người dân có việc làm, tăng thu nhập và từng bước có sinh kế bền vững.

Thành tựu xóa đói giảm nghèo đã tạo thêm cơ sở vững chắc cho Việt Nam bảo đảm các quyền của người dân. Nổi bật là, về nhà ở, đi lại, đến nay cả nước đã xây dựng, củng cố được hàng vạn ngôi nhà, căn hộ cho người nghèo, xóa bỏ hầu hết nhà tạm ở các thôn, bản; 99% địa bàn đông dân tộc thiểu số, miền núi có đường giao thông từ tỉnh đến huyện, xã. Về chăm sóc sức khỏe, trên 90% người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế (trong đó có trên 98% là người nghèo) và được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp. Với hệ thống bệnh viện, trạm y tế và dịch vụ y tế thông suốt từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn, bản, Việt Nam đã khống chế, đẩy lùi nhiều bệnh dịch nguy hiểm; tuổi thọ trung bình của người dân tăng, tỷ suất trẻ em tử vong dưới 5 tuổi giảm mạnh.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo để hoàn thành những mục tiêu đã cam kết, xây dựng xã hội: dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.

Nhà nước đã và đang triển khai hàng loạt chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh, công bằng xã hội trên cả nước, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo. Trọng tâm là phát triển hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho các huyện nghèo, hộ nghèo và người nghèo.

{keywords}
Chính phủ Việt Nam đề ra Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016 - 2020), với số vốn 41.449 tỷ đồng (đã giao cho Chương trình trong 02 năm 2016 - 2017 là 14.584 tỷ đồng).  Ảnh minh họa: LAD

Cụ thể, hôm 2/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1722/QĐ-TTg Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2020 đã tiếp thêm động lực cho công tác xóa đói giảm nghèo trong 5 năm tới.

Tiếp đó, ngày 6/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg, trong đó phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhằm nâng cao hiệu quả công cuộc xóa đói, nghèo và đảm bảo mọi người dân Việt Nam đều được hưởng thành quả của phát triển kinh tế của đất nước.

Trên tinh thần đó, đã lan tỏa một phong trào xóa đói, giảm nghèo rộng khắp. Phong trào "cả nước chung tay vì người nghèo 2019" là minh chứng sống động. Theo thống kê mới nhất của Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia, chỉ sau hơn 1 tháng phát động (bắt đầu từ 0h ngày 19/8 đến hết 24h ngày 31/12), chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo 2019” đã huy động được hơn 154.000 lượt tin nhắn ủng hộ từ các nhà hảo tâm. Tổng số tiền đóng góp tính cho tới thời điểm 10/11/2019 đã được hơn 6,15 tỷ đồng. 

"Cả nước chung tay vì người nghèo 2019" là chương trình vận động nhân dân cả nước thông qua hình thức nhắn tin ủng hộ tới tổng đài 1408. Đây là nguồn vật lực quan trọng cùng với các nguồn lực khác của Nhà nước để chung tay hỗ trợ cho người nghèo, từ đó giảm dần số hộ nghèo và góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân trên cả nước giai đoạn 2016 - 2020. 

Có thể khẳng định rằng, với cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc, quyết tâm chính trị cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo, một bảo đảm vững chắc cho quyền con người ngày càng tốt hơn. Điều đó cũng khẳng định rằng, bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn hướng tới. Đó là cơ sở để bác bỏ mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc về bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam.

Thu Thủy