Theo Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, mục tiêu tới năm 2025, tỉnh sẽ có tới 800 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong đó 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hàng năm tăng từ 8% - 9%. Liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước; mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 5-10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Samsung và các doanh nghiệp FDI  khác.

{keywords}
Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Bắc Ninh (ảnh: Băng Dương)

Đến nay, Bắc Ninh có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm khoảng 20% sổ doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chiến lược của tỉnh Bắc Ninh cũng nêu rõ quan điểm chủ trương tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh gồm: Sản xuất, lắp ráp sản phẩm linh kiện điện tử; Cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Chế biến thực phẩm - đồ uống. Tỉnh Bắc Ninh ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 phù hợp với đối tượng sản phẩm và năng lực của doanh nghiệp, trên cơ sở các tiêu chuẩn, yêu cầu của tập đoàn đa quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phát huy lợi thế tham gia chuỗi cung ứng cho các dự án FDI trên trong nước, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Băng Dương