Nghịch lý chuỗi cung ứng của ngành Dệt May

Trong chuỗi cung ứng, ngành dệt có vai trò quan trọng không chỉ đối với riêng ngành may mà cả tổng thể ngành dệt may. Vì vải là yếu tố quan trọng quyết định đến chi phí và chất lượng cuối cùng của một sản phẩm may mặc.

Theo quan sát, chất lượng ngành dệt Việt Nam còn nhiều hạn chế mặc dù đây là ngành quan trọng đối với việc cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho ngành may.

Trong thực tế, ngành dệt cũng chưa đáp ứng nhu cầu của ngành may. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 3 tỷ USD sợi, nhưng phải bỏ ra khoảng 20 tỷ USD để nhập vải, đây là con số không nhỏ, vì nguồn nguyên liệu vải trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 30%. 

Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến thị trường dệt may xảy ra tình trạng thừa sợi, thiếu vải là do cơ chế quản lý thị trường.

Hiện nay có nhiều chính sách từ Nhà nước hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, song những chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực dành cho ngành sợi, bông thì chưa có.

Ngoài ra, trong chuỗi cung ứng ngành dệt may, doanh nghiệp Nhà nước không làm vì không có lãi; còn doanh nghiệp nước ngoài chọn khâu dễ để làm; phần khó thì doanh nghiệp tư nhân làm và đầu tư,

Tuy nhiên, khi tìm địa phương để đầu tư mở nhà máy nhuộm thì hầu hết các tỉnh đều từ chối vì cơ chế chính sách đang “buộc” doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất và đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành dệt may.

Vì vậy, ngành dệt may vẫn theo vòng luẩn quẩn, Việt Nam sản xuất sợi, xuất khẩu bông đi nước ngoài, rồi nhập vải về sản xuất, rồi lại xuất khẩu sản phẩm may mặc.

Khu công nghiệp hỗ trợ đặc thù

{keywords}
Cần thiết phải hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ đặc thù, được thiết kế chuyên nghiệp dành cho việc phát triển sản xuất vải, đặc biệt là phân khúc nhuộm.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam mới đây cho biết, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam kiến nghị nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội chuyên ngành trong việc góp ý chính sách, thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư FDI trong công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may vào các khu công nghiệp chuyên ngành và thúc đẩy hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Do đó, ông Tuấn kiến nghị, cần bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp chuyên ngành, đặc thù cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may.

Cụ thể, cần bổ sung chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng nhà máy nhuộm hoặc tổ hợp dệt - nhuộm - hoàn tất vải; rà soát hành lang pháp lý, loại bỏ các giấy phép con, cho phép nhuộm gia công (trong điều kiện tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường).

Và, để tạo thuận lợi cho việc phát triển các trung tâm công nghiệp hỗ trợ, cần cho phép hình thành và cấp bổ sung ưu đãi đầu tư các khu công nghiệp chuyên ngành như công nghiệp hỗ trợ, có hạ tầng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ tiêu chuẩn, đáp ứng việc phát triển ngành nhuộm một cách bài bản, tận dung khoa học công nghệ, tối thiểu hóa các tác động tiêu cực đến môi trường.

"Cần thiết phải hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ đặc thù, được thiết kế chuyên nghiệp dành cho việc phát triển sản xuất vải, đặc biệt là phân khúc nhuộm. Khác với các khu công nghiệp thông thường, khu công nghiệp nhuộm hoặc dệt – nhuộm – hoàn tất vải phải đáp ứng yêu cầu có “một bình” – là  địa thế, vị trí của chính khu công nghiệp ấy cùng các hạ tầng thiết yếu", Ông Tuấn nhấn mạnh.

Minh Đức