Theo dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, gói chính sách về thuế được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm lớn nhất.

Theo đó, một loạt các sắc thuế được đề xuất ưu đãi có thời hạn cho các sản phẩm cụ thể như sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho dệt may, da giày, ô tô, cơ khí trọng điểm.

Cụ thể, các doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng trong vòng 3 tháng (không thực hiện hoàn thuế theo phương pháp khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định.

{keywords}
Cần ưu đãi thuế cao nhất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (ảnh: Băng Dương)

Thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu gián tiếp) được áp dụng mức 0% (sửa đổi Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu)

Riêng đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi chỉ áp dụng thời hạn từ 5 đến 10 năm. Cụ thể, không áp dụng tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước với sản xuất, lắp ráp ô tô nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Các loại ô tô điện đáp ứng tiêu chí do Bộ Công Thương ban hành được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 0%. Đồng thời, thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng đối với một số các dòng xe nhất định- chủ yếu là các dòng xe nhập khẩu nhiều.

Bộ Công Thương cũng đề nghị điều chỉnh, sửa đổi các quy định về hoàn thuế VAT đối với nguyên liệu sản xuất trong nước (dệt may, da - giày) phục vụ xuất khẩu để khuyến khích các doanh nghiệp may mặc sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước, đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.

Đối với thuế nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh theo nguyên tắc thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất thuế nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo các cam kết quốc tế theo từng Hiệp định thương mại tự do.

Theo đó, thuế nhập khẩu đối với một số linh kiện, phụ tùng ô tô, áp dụng mức 0% thời hạn đến năm 2025 kèm theo một số tiêu chí nhất định. Các doanh nghiệp cần được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ làm mẫu để nghiên cứu sản xuất, hiệu chỉnh, lắp ráp dây chuyền công nghệ sản xuất xe ô tô.

Ngoài ra, máy móc thiết bị, khuôn, đồ gá... nhập khẩu để tạo tài sản cố định cũng sẽ được áp dụng thuế nhập khẩu 0%.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo hướng, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi cao nhất về tuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm cơ khí trọng điểm. Các chuyên gia đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí trọng điểm cũng sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân.

Cùng với gói chính sách thuế trên, dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng nêu ra nhiều giải pháp về vốn, đầu tư, đất đai... thuộc quản lý của các Bộ liên quan như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Khoa học công nghệ, Ủy ban nhân dân các địa phương...


Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

 Băng Dương