Theo Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam 2019, cơ hội để phát triển công nghiệp điện tử hay công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin là rất lớn.

Tại Việt Nam, CNTT là một lĩnh vực thay đổi nhanh chóng và là ngành tốt nhất giúp tạo nên các bước nhảy vọt cho quốc gia.

Các chính sách hỗ trợ công nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp cần phải đặt trong những thay đổi trong môi trường toàn cầu, nhu cầu của thị trường Việt Nam và năng lực cung ứng của thị trường, cũng như tron bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việt Nam có tốc độ cung ứng cao đối với các sản phẩm điện thoại di động, và tăng trưởng nhanh về kinh tế kỹ thuật số. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu chóng thương mại hóa thông tin 5G vào năm 2020, một phương thức truyền thông băng rộng là hạ tầng then chốt của cách mạng công nghệ lần thứ 4.

{keywords}
Chính phủ cần thúc đẩy nền sản xuất thiết bị và linh kiện chính (ảnh: Thu Ngân)

Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ mới chỉ có kế hoạch thúc đẩy hạ tầng 5G cho thương mại hóa mà chưa có kế hoạch thực tiễn và chi tiết cho các ngành công nghiệp CNTT, là lĩnh vực có thể được xúc tiến ngay sau khi thương mại hóa được nền tảng viễn thông 5G.

Trong khi đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chỉ chuyên lắp ráp các bộ phận và gia công đơn giản. Các hợp phần và thiết bị chuyên ngành vẫn chưa đạt được bất kỳ tiến bộ nào. Hầu hết các công ty Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu các bộ phận và thiết bị chính, và hiện nay ở Việt Nam chưa có viện nghiên cứu hoặc chuyên gia về máy móc linh kiện hoặc các công nghệ then chốt.
 
Do đó, Sách trắng Công nghiệp Việt Nam 2019 khuyến nghị, Chính phủ cần có một chiến lược giúp biến đổi ngành CNTT hiện tại trở thành một ngành có giá trị gia tăng cao. Nói một cách khác, ngành CNTT cần phải thay đổi từ việc sản xuất lắp ráp đơn giản sang một nền sản xuất chế tạo có giá trị gia tăng cao với trọng tâm vào các thiết bị và linh kiện chính, nhãn hàng và tiếp thị cũng như đầu tư vào phát triển kỹ thuật cho các vật liệu và linh kiện quan trọng.

Việc xây dựng một kế hoạch như vậy đòi hỏi một loạt các hành động kèm theo.
 
Điều đầu tiên là củng cố, thúc đẩy các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử. Nguồn lực để sản xuất các sản phẩm có vòng đời lâu dài đòi hỏi đầu tư lớn và mất từ 10 đến 20 năm để cất cánh, nhưng sẽ góp phần tạo ra việc làm có giá trị gia tăng cao và tăng trưởng kinh tế. Đầu tư liên tục là cần thiết để cải thiện năng lực và khoa học công nghệ. Để có được một ngành điện tử có giá trị gia tăng cao đòi hỏi một chiến lược hỗ trợ dài hơi.
 
Điều thứ hai là phải cải thiện năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo về kỹ thuật. Một số điều kiện phải được đáp ứng cho các doanh nghiệp mạo hiểm và doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có thể tham gia đổi mới kỹ thuật và chính họ sẽ phải xây dựng mối quan hệ với các tập đoàn lớn sử hữu nền tảng tiên tiến cho sáng tạo kỹ thuật và phát triển hơn nữa. Chính sách hợp tác giữa các tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ phải được tăng cường.

Thu Ngân