Năm qua, do chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, có những lúc 60.000 công nhân phải tạm nghỉ việc. Tuy nhiên, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã nỗ lực vượt khó khăn, không để đứt gãy sản xuất và quý 4 đã có 95% lao động trở lại sản xuất.

Đáng chú ý, xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam trong năm 2021 ước đạt kết quả rất ấn tượng.

{keywords}
Dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai thế giới

Theo Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị kiêm Người phát ngôn Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thị phần dệt may Việt Nam năm 2021 đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới.

Cụ thể, Trung Quốc chiếm thị phần 38%, tiếp đến là Việt Nam với 5,1% và đứng thứ 3 là Bangladesh, với 5%.

Ngành dệt may Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

Năm 2021, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhất kể từ khi hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với doanh thu đạt trên 16.400 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ và tăng 70% so với thời điểm trước đại dịch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng một tháng.

Năm 2022, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, gia tăng tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. 100% người lao động có việc làm. Thu nhập bình quân 8,35 triệu/người/tháng.

Thu Ngân