Trình độ doanh nghiệp nội còn yếu, nguồn lực đầu tư của nhà nước còn thiếu

Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, thế nhưng, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, chiếm khoảng 17%.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Hiện nay việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn; khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40 - 45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới đạt 7 – 10%; điện tử, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ chỉ đạt 5%.

Số liệu gần đây cho thấy, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đạt chuẩn và trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với 30% ở Thái Lan và 46% ở Malaysia. 

Theo lý giải từ ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực sản xuất còn yếu. Sản phẩm chủ yếu là linh kiện, phụ tùng đơn giản có hàm lượng công nghệ còn thấp và chưa tuân thủ tiêu chuẩn theo chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia. 

Nguyên nhân chủ quan là do trình độ doanh nghiệp nội địa chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi sản xuất; chất lượng các chính sách còn hạn chế. Môi trường kinh tế mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa hấp dẫn thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp. 

Thêm nữa, nguồn lực đầu tư của nhà nước còn quá ít ỏi, chưa tương xứng với quy mô; chính sách còn chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với tập đoàn đa quốc gia. 

 

Cần hình thành những trung tâm nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ cho CNHT

Mục tiêu chung của Bộ Công Thương đặt ra trong Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ là đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài việc tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, sự nỗ lực của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, việc hình thành những trung tâm nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ cho công nghiệp hỗ trợ đang là mục tiêu lớn mà Bộ Công Thương cũng như nhiều địa phương, doanh nghiệp mong muốn và kỳ vọng.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, do thời điểm phê duyệt khác nhau nên mặc dù có nhiều cụm công nghiệp hỗ trợ đã nằm trong quy hoạch phát triển, nhưng khi triển khai thành lập lại “vướng” vào một số diện tích đất không phải của cụm công nghiệp, hoặc mục đích sử dụng đất chưa được cập nhật.

Liên quan đến những vướng mắc về hạ tầng, ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, các dự án công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào cụm công nghiệp chỉ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi nào đã có hạ tầng kỹ thuật là đường, điện và hệ thống xử lý nước thải…

“Điều này là hạn chế huy động vốn của chủ đầu tư và lợi thế về thời gian của doanh nghiệp tham gia xây dựng và kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp, giảm chỉ số cạnh tranh của tỉnh”, ông Hùng băn khoăn.

Ông Hùng kiến nghị “Chính phủ nên giao cho Sở Công Thương chủ trì tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp… để tạo thuận lợi cho quản lý cụm công nghiệp ngay từ khâu quy hoạch, thành lập, hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp hỗ trợ và giảm các thủ tục hành chính”.

Minh Đức