Chia sẻ với báo VietnamNet, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: Trong năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Có lẽ do hội nghị chuyên đề về công nghiệp hỗ trợ do thủ tướng chủ trì diễn ra cuối năm 2018 đã thu hút các bên liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ nhiều hơn.

Bà Thúy dẫn ví dụ về số lượng các dự án được cấp chứng nhận ưu đãi. Theo đó, nếu như tháng đến tháng 12/2018 chúng tôi chỉ nhận có 37 hồ sơ và có 28 dự án được cấp chứng nhận và trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp trong nước thế nhưng tính đến tháng 11/2019 tổng số hồ sơ chúng tôi nhận được là 81 bộ và có 38 hồ sơ được cấp chứng nhận trong đó có 5 doanh nghiệp trong nước. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp cũng quan tâm hơn, họ cũng tìm đến những chính sách hỗ trợ của chính phủ nhiều hơn.

{keywords}
Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển CNHT từ năm 2016 – 2025 đã bước sang năm thứ 2.

Theo thông tin bà Thúy chia sẻ, bên cạnh đó các cơ quan quốc tế cũng có quan tâm nhiều hơn đến ngành và có những hợp tác nhất định. Ví dụ, tập đoàn JICA vừa kí chương trình hợp tác với Bộ Kế hoạch đầu tư và kết hợp với Bộ Công thương để triển khai một chương trình dài hạn trong thời gian tới hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các khách hàng Nhật Bản.

Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển CNHT từ năm 2016 – 2025 đã bước sang năm thứ 2. Đến nay nhiều tổ chức, cá nhân biết đến chương trình này và đăng ký nộp hồ sơ tham gia. Ngoài ra chương trình này cũng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn như Samsung, Toyota trong thời gian vừa qua đã phát triển hệ thống nhà cung ứng ở Việt Nam và tôi thấy đây là một tín hiệu đáng mừng cho Công nghiệp hỗ trợ.

Phần lớn khó khăn doanh nghiệp gặp phải đều liên quan đến ưu đãi về thuế

Chia sẻ về dự thảo nghị quyết về công nghiệp hỗ trợ mà Bộ Công thương đang xây dựng, bà Thúy cho biết, phần lớn những khó khăn doanh nghiệp gặp phải đều liên quan đến ưu đãi về thuế. Như vậy phải sửa luật.

Bà Thúy minh họa, lấy ví dụ về những quy định của nghị quyết nếu như chỉ đơn giản điều chỉnh những hoạt động tăng cường kết nối hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu hoặc hỗ trở cải thiện, cải tiến xúc tiến đầu tư thì những vấn đề này có thể sử dụng nghị quyết để giải quyết những điểm nghẽn như chính sách thu hút đầu tư hoặc về khả năng tiếp cận vốn.

Một số doanh nghiệp công nghiệp trong quá trình họ mua máy móc thiết bị thì phải nộp thuế VAT, thuế này theo nguyên tắc là được miễn, được khấu trừ nhưng theo quy định khoản khấu trừ này được hoàn trong thời gian họ sản xuất. Nhưng một doanh nghiệp khi nhập thiết bị với giá trị rất lớn và thuế họ nộp có khi đến 10 tỷ và 10 tỷ này thì khấu trừ bao giờ mới hết. Chính vì thế một số doanh nghiệp vì không thể khấu trừ được nên họ bị tồn đọng vốn quá nhiều vào trong khoản thế như thế nên nhiều doanh nghiệp buộc phải nhượng lại nhà máy của mình và chỉ hoạt động theo kiểu gia công cho khách hàng của họ.

“Đa số các doanh nghiệp vướng chính sách thuế. Những trường hợp này mình có thể điều chỉnh chính sách để hỗ trợ, để doanh nghiệp có thể chủ động được trong hoạt động sản xuất của mình”, bà Thúy chốt lại.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả

Liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, theo quan sát của bà Thúy, nếu nhìn ở cấp địa phương, chuyển động rõ nét nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh nhờ  có trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, trienr khai các chính sách cấp trung ương và cũng triển khai chính sách cấp địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài ra một số tỉnh thành khác. Tuy nhiên năng lực của các chuyên viên chưa đủ để triển khai được các chương trình như ở thành phố Hồ Chí Minh đã làm.

Bà Thúy nhấn mạnh, cục công nghiệp chủ trương sẽ chuyển giao dần các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng các chương trình cần do địa phương trực tiếp làm vì chính họ mới nắm rõ nhất vùng của mình cần gì, cần như thế nào.

Thừa nhận năng lực thực thi chính sách và triển khai các chương trình hỗ trợ thực sự chưa hiệu quả bà Thúy cho rằng, nguyên nhân là vì có những nơi mặc dù có kinh phí nhưng lại không biết triển khai như thế nào cho cụ thể. Do vậy bà gợi ý, “việc nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương cũng rất thiết thực. Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nâng cao năng lực cho cán bộ rất hiệu quả”.

Thu Nga