Những năm gần đây, nhận thức vai trò quan trọng của việc phát triển CNHT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể như, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015. Theo đó, các chính sách hỗ trợ phát triển CNHT bao gồm: nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế về CNHT, hỗ trợ phát triển thị trường, trung tâm phát triển CNHT, chương trình phát triển CNHT.

Các chính sách ưu đãi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tín dụng, tiền thuê đất, ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

{keywords}
 
{keywords}
 

Về chính sách tín dụng phát triển công nghiệp hỗ trợ, điều 12 quy định: Dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển được vay vốn với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước; Được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của NHNN tại từng thời kỳ”

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Điều 12 quy định được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các TCTD trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ theo quy định khi đáp ứng các điều kiện: Có tổng tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp khoản vay khác. Có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho dự án khác. Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại TCTD hoặc tổ chức kinh tế khác”

Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-NHNN ngày 4/2/2016 hướng dẫn cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP nêu trên.

Ngoài ra, theo Quyết định số 1556/ QĐ-TTg ngày 17/10/2012 phê duyệt Đề án trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT, nêu rõ quan điểm, định hướng mục tiêu trợ giúp và các giải pháp giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020.

Các doanh nghiệp có các dự án thuộc danh mục CNHT sẽ được vay vốn ưu đãi theo quy định tại Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư tín dụng xuất khẩu.

Qua tổng hợp báo cáo tình hình cho vay công nghiệp hỗ trợ theo Thông tư 01/2016/TT-NHNN của các TCTD cho thấy số liệu dư nợ các TCTD cho vay ngắn hạn ưu đãi theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 13-14%) so với dư nợ cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó dư nợ cho vay có bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng là 0 đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Nghị định 111 chưa đem lại hiệu quả đáng kể về tiếp cận vốn cho DN. Nguyên nhân là do khó khăn lớn nhất xuất phát từ chính doanh nghiệp ngành CNHT. Vốn đầu tư cho phát triển CNHT rất lớn. Khả năng tài chính của doanh nghiệp yếu, vốn tự có thấp.

 Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp. Sản phẩm CNHT Việt Nam có giá thành cao, không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật.

Ngành sản xuất CNHT thường gây ô nhiễm khiến nhiều địa phương rất thận trọng với thu hút dự án phát triển CNHT trong các ngành này, trong khi đây là định hướng ưu tiên phát triển của Chính phủ.

Sản phẩm CNHT là những sản phẩm mang tính đặc thù cao, theo quy chuẩn và yêu cầu thiết kế cụ thể của đơn vị đặt hàng. Dó đó, nếu bên đặt hàng gây khó khăn, không nhận hàng thì sản phẩm đó rất khó tiêu thụ. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp thấp, rất ít doanh nghiệp tạo dựng được mối quan hệ hợp tác chiến lược với đối tác, bạn hàng. Các nhà quản trị chưa quan tâm đến tạo dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CNHT.

Do đó nhiều dự án không có tính khả thi, doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn.

Điều kiện để doanh nghiệp CNHT được hưởng ưu đãi về tín dụng quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP chặt hơn so với quy định cũ của Chính phủ. Cụ thể, theo quy định mới điều kiện là: i) Phải có dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%. ii) Sản xuất một số sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên. iii) Phải có Giấy chứng nhận ưu đãi do Bộ Công thương hoặc cơ quan có thẩm quyền của địa phương cấp (quy định cũ chỉ cần dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên).

Trong khi đó, việc áp dụng cho vay lãi suất ngắn hạn theo trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực CNHT) đã được Ngân hàng Nhà nước quy định từ năm 2012 đến nay không có những điều kiện cho vay quy định như trên.

Việc bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho DNVVN vay vốn tại TCTD vẫn còn khó khăn vướng mắc. Hiện nay, bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được thực hiện thông qua hai kênh: bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển cho DNNVV vay vốn của ngân hàng thương mại; ibảo lãnh qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV. Tuy nhiên, việc triển khai cho vay DNNVV dựa trên bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh này vẫn còn có nhiều bất cập và doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, đó là tình trạng chung không chỉ riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT.

Bên cạnh đó, việc quy định DNNVV phải có tổng tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp khoản vay khác là một điều kiện khá khó khăn đối với DNNVV trong khi quy mô hoạt động của DN còn nhỏ và nhiều DN còn không có TSĐB hoặc giá trị TSĐB không lớn. Do vậy, quy định này đã cản trở cho DNNVV tiếp cận vay vốn tại các TCTD.

Nhận diện rõ những rào cản như vậy, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Công Thương tìm giải pháp hỗ trợ hiệu quả hơn cho DN CNHT. Dự kiến, chính sách cấp bù lãi suất sẽ được đưa vào trong dự thảo sửa đổi Nghị định 111.

Băng Dương