Khó khăn do không nhập được nguyên liệu

Tác động của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Theo Sở Công Thương Ninh Bình, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tại thời điểm này đang chịu sự tác động bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung linh kiện phụ kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất. Việc xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.

{keywords}
Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp hỗ trợ là bước đi cần thiết để phát triển công nghiệp tại Ninh Bình

Đơn cử, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử như Công ty TNHH Sanico Việt Nam và Công ty TNHH Goryo Việt Nam (Cụm công nghiệp Gia Vân) đã bị ảnh hưởng bởi lô hàng linh phụ kiện nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc do dịch Covid-19. Không chỉ vậy, những sản phẩm xuất xưởng của hai đơn vị này cũng gặp nhiều khó khăn để xuất đi do đối tác cung ứng nước ngoài cũng đang gặp khó trong tình hình dịch Covid-19.

Không chỉ lĩnh vực điện tử bị ảnh hưởng, lĩnh vực sản xuất da giày cũng đang thiếu nguyên liệu sản xuất vì hầu hết doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong trường hợp các nhà máy tại Trung Quốc chậm cung cấp nguyên, phụ liệu trong thời gian dài sẽ khiến các công ty da giày của Ninh Bình vỡ kế hoạch sản xuất, không đáp ứng được tiến độ giao hàng, nhất là thời điểm cuối năm sắp tới.

Có thể thấy, ngành sản xuất công nghiệp trong tỉnh cũng như cả nước phụ thuộc chủ yếu vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; không tự chủ yếu tố đầu vào, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp; nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh chủ yếu gia công khâu cuối cùng nên khi nguồn cung nhập khẩu có biến động, dễ dẫn đến rủi ro "đứt gãy" chuỗi sản xuất.

Ông Hoàng Trung Kiên - Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cho biết: Mặc dù hiện nay, một số nước cung cấp nguyên, vật liệu cho sản xuất các lĩnh vực như điện tử, may mặc... đã quay trở lại hoạt động sau đỉnh dịch, tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên, vật liệu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, song tìm nguồn cung dự phòng ngay trong thời điểm này không dễ và chi phí cũng tăng cao...

Chính vì lẽ đó, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp ngành CNHT của Ninh Bình là phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất, bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, tự sản xuất nguyên liệu, phụ kiện để cung cấp cho các doanh nghiệp tại địa phương, không để chuỗi cung ứng bị “đứt gãy”.

Khẩn trương tái cơ cấu, chuyển đổi sản xuất

Để gỡ khó vào thời điểm này, mẫu chốt là phải tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm ưu tiên lĩnh vực CNHT. Vì thế, ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết trong nước để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử… theo hướng bền vững, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác như hiện nay.

Cụ thể, tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư phát triển CNHT cho các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí, dệt may và linh kiện điện tử để khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế việc phải phụ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay.

{keywords}
Ninh Bình đang tập trung thu hút hỗ trợ sản xuất cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và điện tử

Trước mắt, tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm CNHT phục vụ dự án Nhà máy Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián Khẩu. Tiến tới, các doanh nghiệp CNHT của tỉnh còn cung cấp nguyên, phụ liệu, linh kiện cho các nhà máy trong nước và khu vực.

Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình Hoàng Trung Kiên chia sẻ, bước vào giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển doanh nghiệp ngành CNHT.

Các chính sách này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh phát triển, nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực để phát triển ngành CNHT thành một trong các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh, trong đó đặc biệt ưu tiên thu hút vào lĩnh vực CNHT cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và điện tử.

Hoàng Hiệp