Chia sẻ tại cuộc tọa đàm "Chính sách thuế và vai trò hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam" được tổ chức ngày 3-11, ông Nguyễn Trung Hiếu – Trưởng ban chính sách thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết quy mô ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam còn nhỏ so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Phillipines.

Sản lượng sản xuất xe dưới 9 chỗ của Thái Lan và Indonesia lần lượt là hơn 2,1 triệu và hơn 1,3 triệu chiếc vào năm 2018. Còn Việt Nam chỉ sản xuất được 184.000 chiếc trong cùng năm.

Ngoài ra, Thái Lan có gần 2.100 nhà cung ứng linh kiện vào năm 2018. Con số này ở Indonesia và Malaysia lần lượt là 792 và 627, còn Việt Nam chỉ có 276 nhà cung ứng.

Theo ông Hiếu, những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, gồm: nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí thấp, chi phí vận chuyển thấp chỉ giúp các doanh nghiệp nội địa trong công đoạn sản xuất các linh kiện thuộc lớp thứ nhất như ghế, bộ dây điện, với đặc điểm là cồng kềnh và tốn nhiều nhân công – chiếm tỷ trọng 15% tính trên tổng giá trị linh kiện tính trên mỗi chiếc ô tô.

Còn phần linh kiện chiếm giá trị cao, gồm: linh kiện thép hoặc nhựa dập kích cỡ vừa; linh kiện điện tử; thân vỏ xe; hộp số và động cơ – chiếm tỷ trọng 85% tính trên tổng giá trị linh kiện tính trên mỗi chiếc ô tô – đều nhập khẩu từ nước ngoài.

Một ví dụ cụ thể là sản phẩm nắp bình xăng thuộc lớp linh kiện thứ hai, nếu Thái Lan chỉ tốn 1,5 đô la Mỹ để sản xuất mỗi chiếc thì Việt Nam tốn tới 3,8 đô la, do không thể mua sản phẩm này ở thị trường nội địa mà phải nhập khẩu.

Thậm chí, giá một chiếc ô tô tương tự được sản xuất trong nước (CKD) cao hơn một chiếc ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) từ Thái Lan, Indonesia khoảng 10-20% do lượng linh kiện nhập khẩu nhiều khiến chi phí logistics và đóng gói cao.

Nếu chi phí vận chuyển một chiếc ô tô nguyên chiếc chiếm tỷ trọng 5% trên chi phí chiếc xe thì chi phí vận chuyển linh kiện cao hơn 20-30% chi phí cho linh kiện do phải chịu chi phí bao bì, đóng gói, theo nghiên cứu của VAMA.

Trưởng ban chính sách của VAMA cũng cho rằng, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, gồm: quy mô thị trường nhỏ; thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu, đặc biệt là thép và nhựa; trình độ kĩ thuật sản xuất thấp và thiếu kinh nghiệm do phát triển ngành này chậm 30 năm so với các nước.

Theo Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, Việt Nam có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước, tính đến hết năm 2019. Trong đó, nhiều hãng lớn trên thế giới có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, ,ột số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines.

Thu Ngân