Những lực cản khiến ngành CNHT khó phát triển

Trong thời đại kinh tế hóa - công nghiệp hóa, ngành công nghiệp hô trợ trở thành một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp. Đây cũng là một cơ hội cho các nhà sản xuất tiếp cận công nghệ lẫn bí quyết hiện đại trong quá trình sản xuất.

Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng cho phép các nhà kinh doanh không nhất thiết phải tham gia quá trình sản xuất toàn diện nhưng vẫn có thể sản xuất các sản phẩm chất lượng cao cũng như thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.

{keywords}
Sản xuất linh kiện viễn thông và điện tử ở Công ty Jabil Việt Nam trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Theo kinh nghiệm của Singapore, để phát triển ngành công nghiệp hô trợ là một quá trình lâu dài cần phải chú trọng các nhân tố nhân sự, công nghệ, tài chính và hệ thống phân phối. 

Đặc biệt, các nước cần tạo dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh thuận lợi để phục vụ ngành cũng như doanh nghiệp tham gia công nghiệp hỗ trợ. Các nước cần có các văn bản quy định về phẩm cấp kỹ thuật, đăng ký ngành nghề, thay đổi về hải quan, về chính sách thuế...

Trong khi đó, sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có dung lượng thị trường. Điều này xuất phát từ thực tế rằng ngành công nghiệp hỗ trợ là ngành đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ hiện đại.

Để giảm thiểu chi phí trên một đơn vị sản phẩm, các doanh nghiệp phải tính đến lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Nguyên nhân là các nhà đầu tư muốn đảm bảo một thị trường có dung lượng lớn (hoặc ít ra có tiềm năng dung lượng lớn trong tương lai) trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Một điểm đáng lưu tâm là tình trạng thiếu thông tin và sự chênh lệch về tiêu chuẩn chất lượng giữa nhà cung cấp linh phụ kiện và các doanh nghiệp lắp ráp cũng là các nhân tố cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đào tạo kỹ sư lành nghề cho ngành CNHT

Nhân lực là vấn đề sống còn cho phát triển bất cứ một ngành nghề nào. Vì vậy để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần phải xây dựng được một đội ngũ kỹ sư lành nghề, có khả năng sản xuất nguyên phụ liệu hoặc nghiên cứu công nghệ để đưa công nghiệp hỗ trợ phát triển.

{keywords}
Dây chuyền sản xuất ô tô tại Công ty TCIE Việt Nam.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng nguồn nhân lực có trình độ cao được đánh giá quan trọng hơn máy móc hiện đại. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào máy móc, dây chuyền thì sẽ không tạo ra khả năng cạnh tranh quốc tế vì các quốc gia đều có thể sở hữu chúng.

Vì vậy, điểm tạo ra khác biệt chính là đội ngũ nhân công có tay nghề cao vì họ chính là những người trực tiếp vận hành, cải tiến máy móc, phát minh ra những phương pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, những chính sách thuế có tính ưu đãi và các chính sách hỗ trợ khác (hỗ trợ công nghệ, tài chính, đào tạo...) là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển.

Với các ưu đãi về tài chính, về đất đai hạ tầng, về đầu tư, về nguồn nhân lực, chính sách khuyến khích thành lập các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ,  xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho công nghiệp hỗ trợ, hình thành tổ chức đầu mối để dẫn dắt liên kết các doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ, phân xử các tranh chấp hợp đồng cung ứng, xây dựng ban hành cơ sở dữ liệu đầy đủ về công nghiệp hỗ trợ...

Tăng nhu cầu nội địa cũng là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy vậy, để đảm bảo có thể thu được lợi nhuận cao nhất cũng như xây dựng được một thị trường nội địa phát triển thì các nước cần quan tâm đến hệ thống phân phối.

Hệ thống phân phối có thể cung cấp đầy đủ, dễ dàng những nhu cầu về linh kiện cho những doanh nghiệp có nhu cầu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Minh Đức