Triển lãm là cơ hội để kết nối các nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ trong nước, giúp tìm hiểu nhu cầu xuất nhập khẩu cũng như xu hướng sử dụng các linh kiện công nghiệp. Do vậy, các sự kiện sắp tới sẽ đầy mạnh việc chuyển giao công nghệ mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thời điểm hiện tại và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tiềm năng trong tương lai.  

{keywords}
Đại diện Reed Tradex, Bộ Công thương và JETRO ký kết biên bản hợp tác.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương xác định, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở để phát triển một nền công nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững.

“Việc tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản do Cục XTTM phối hợp với Văn phòng JETRO tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản. Đây là một hoạt động cụ thể triển khai cam kết của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam” – ông Lê Hoàng Tài nói.

Theo ông Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam, sự kiện lần này sẽ là cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ sự liên kết giữa các công ty sản xuất linh kiện, các nhà sản xuất, lắp ráp trong ngành công nghiệp hỗ trợ có liên quan. Để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực Đông Nam Á, các công ty trong ngành công nghiệp cần cùng nhau nỗ lực phát triển mạng lưới đối tác, phân phối, kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy đưa các ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng, tạo nên sự bao phủ và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa, năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 630 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD. Cũng theo kết quả khảo sát năm 2018, khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động từ 1-2 năm tới, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam vf mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc Top đầu. Tuy nhiên, một số những khó khăn là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp. 

Ông Hironobu Kitagawa nhấn mạnh, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36,3%. Tuy có tăng hàng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc là 66%, Thái Lan 57%. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam. 

Ngoài ra ngành công nghiệp hỗ trợ phần lớn do doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm nhận, tuy nhiên những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam. Cụ thể, nhóm này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thiếu tiềm lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Cả hai triển lãm này sẽ diễn ra đồng thời từ ngày 14 đến ngày 16/8/2019 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, với sự góp mặt của các đơn vị triển lãm từ 16 quốc gia cùng hơn 200 công ty công nghệ, máy móc tiên tiến.

Trúc Linh