Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,2% của cùng kỳ năm trước. Đây tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp.

Các ngành còn lại như sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%); riêng ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,7%).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 35%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 15,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 13,6%; sản xuất đồ uống tăng 12,8%.

{keywords}
Công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của công nghiệp tháng 5 (ảnh: Băng Dương)

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%; sắt, thép thô tăng 18,4%; xe máy tăng 15,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,5%; ti vi tăng 13,2%; giày, dép da cùng tăng 12,6%; bia các loại tăng 11,7%.

Sự tăng trưởng này trở thành điểm sáng của ngành công nghiệp và nền kinh tế nói chung, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng mạnh kể từ tháng 4 và lan rộng ở các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp- nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân. 

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp và chính quyền địa phương, dịch bệnh trong các khu công nghiệp được kiểm soát, góp phần giữ mức tăng trưởng khá như trên.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bà Trương Thị Chí Bình nhìn nhận: "Năm ngoái, chuỗi cung ứng bị đứt gãy rất nhiều, trong khi nhiều nước phải đóng cửa thì Việt Nam vẫn sản xuất bình thường nên nhiều đơn hàng được chuyển từ nước ngoài sang Việt Nam. Sau khi dịch bệnh ổn định trở lại, nhiều đơn hàng được giữ lại vì họ thấy doanh nghiệp Việt Nam làm rất tốt. Một số doanh nghiệp mở dây chuyển sản xuất mới, thậm chí là nhà máy mới, dù không nhiều, nhưng đó là các doanh nghiệp xuất sắc".

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá là nền tảng bền vững cho phát triển lâu dài. 

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành tạo ra nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành này 5 tháng qua đã tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm trước. Điều này rất có ý nghĩa trong việc ổn định kinh tế - xã hội.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Trung Tiến cho hay: "Quốc gia muốn tăng trưởng tốt hay thịnh vượng đều bắt nguồn từ ngành chế biến chế tạo. Nếu ngành này phát triển thì năng lực quản lý tay nghề của lao động cũng như kết cấu hạ tầng phục vụ ngành chế biến chế tạo cũng đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao", 

Dù đã vượt qua được những tháng đầu năm với kết quả tích cực, nhưng ngành chế biến, chế tạo cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: nguyên vật liệu trên đà tăng giá,  dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.

Báo cáo của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cũng cho hay, đơn hàng có xu hướng giảm do nền kinh tế nước ngoài suy giảm. Đã có trường hợp có đơn hàng, nhưng vì khâu vận chuyển khó khăn nên khách hàng huỷ đơn. Trong khi đó, nguồn cung ứng vật liệu đầu vào vẫn có nguy cơ đứt gãy. Do thiếu cung, vận chuyển lại khó nên doanh nghiệp trong nước cũng rơi vào tình trạng trễ thời gian giao hàng. Dịch Covid-19 khiến nhiều công nhân phải nghỉ việc nên việc thiếu lao động cũng đang là một thách thức.

{keywords}
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá trong tháng 5 (ảnh: Băng Dương)

Cụ thể hơn, ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ đạo, đơn hàng năm 2020 chuyển sang năm 2021 nhưng nếu dịch bệnh không kiểm soát tốt, doanh nghiệp cũng đứng trước nguy cơ sụt giảm doanh thu.

Dù vậy nhìn tổng quan, với vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, sự tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo những tháng đầu năm đã tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đây là tín hiệu lạc quan cho tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm nay.

Theo mục tiêu của Đại hội Đảng khoá XIII đề ra, đến năm 2030, công nghiệp đóng góp 40% trong GDP, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo phải đóng góp 30% vào GDP. Riêng công nghiệp chế tạo đạt trên 20% GDP. 

Tỷ trọng gía trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo bình quân phải đạt trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp phải đạt bình quân trên 8,5%/năm.

Để đạt mục tiêu này, toàn ngành và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực lớn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. 

Thu Ngân