Trước tình hình thách thức của dịch Covid-19, bà Đỗ Thị Thuý Hương, UV BCH Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã chia sẻ với VietNamnet góc nhìn của mình.

Công nghiệp hỗ trợ của điện tử có đặc thù rất lớn. Nghe thì nói là công nghiệp hỗ trợ nhưng thực ra đây là những mảng  sản xuất tạo giá trị gia tăng lớn cho ngành công nghiệp điện tử. Yếu tố là tập trung vốn và tập trung công nghệ rất là cao và đòi hỏi sự đầu tư của doanh nghiệp vào vốn, vào công nghệ.

Các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho nên hai yếu tố cơ bản của ngành là tập trung công nghệ và tập trung vốn hầu hết là đều yếu. Vì thế nên các cái doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện của nghành điện tử hầu hết là tham gia vào cái chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi.

Những doanh nghiệp đầu chuỗi có thể tại Việt Nam hoặc có thể tại nước ngoài.  Tuy nhiên, hầu như là chưa có một brandname, thương hiệu quốc gia của ngành điện tử mà tạo thành các chuỗi cung ứng cho cái brandname ấy, thực sự là chưa có.

{keywords}
Doanh nghiệp điện tử: Không bị đứt gãy nguồn cung nặng nề

Doanh nghiệp Việt vẫn đang kì vọng là có một doanh nghiệp quốc gia mạnh của  ngành điện tử và hiện giờ chúng tôi cũng đang nỗ lực hình thành nhưng cũng chưa có một cái thương hiệu mạnh như vậy.

Quay trở lại, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của điện tử trước cái mùa dịch Covid-19, tác động ảnh hưởng thế nào? Tôi phải nói rằng, ngay lập tức doanh nghiệp điện tử có những tác động ảnh hưởng hết sức sâu sắc và rõ ràng.

Ngay từ tháng 2, tháng 3 khi mà bắt đầu dịch chớm bùng nổ ở Trung Quốc thì nguồn cung nguyên vật liệu bị ảnh hưởng nặng.

Tuy vậy, từ khi bắt đầu mùa dịch đến giờ, một điểm đáng được đánh giá tốt là những doanh nghiệp đầu chuỗi, tức là các doanh nghiệp thu mua và đặt hàng cho các doanh nghiệp gọi là vendor lớp 1, lớp 2 của điện tử Việt Nam, họ là những doanh nghiệp mạnh và có khả năng điều chỉnh chuỗi cung ứng rất tốt. Thậm chí, họ điều chỉnh và điều hướng được cả những nguồn cung nguyên vật liệu đó.

Do đó, thời gian đầu, doanh nghiệp điện tử Việt Nam có xáo trộn nhưng về sau thì họ điều chỉnh được. Nhưng hệ quả là gia tăng chi phí thì rất lớn.

Ví dụ, bình thường chúng ta có thể đi đường bộ rất thuận tiện và rẻ chi phí, khi có dịch bệnh diễn ra thì lập tức đường bộ bị block, nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang đường biển, thời gian ship hàng trễ mất khoảng độ từ 4-6 tuần. Thậm chí, có một doanh nghiệp đầu chuỗi chia sẻ với tôi là họ phải có những chuyến hàng không ship bay họ đặt riêng để ship hàng cho họ và điều đấy lại gia tăng chi phí vô cùng lớn.

Tôi cũng được nghe một cái nguồn thông tin, chi phí Logistics mùa dịch tăng gấp 3 lần. Tức là đối với mỗi một cân hàng hóa dịch chuyển qua biên giới thì trước cỡ khoảng 25.000 VNĐ/kg thì trong mùa dịch là lên đến 75.000VNĐ/kg.

Đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử thì nó chia làm 2 khối, một khối là đã nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi lớn ví dụ như là Samsung, LG, Foxconn, Canon, Panasonic, Brothers… Những doanh nghiệp đầu chuỗi đấy phải nói là họ rất tích cực và họ có một mối quan hệ toàn cầu nên họ điều chỉnh và điều hướng nguồn cung rất tốt.

Những doanh nghiệp tham gia trong chuỗi có bị ảnh hưởng về chi phí và thời gian nhưng chuỗi không đứt gãy. Thế nhưng đối với những doanh nghiệp Việt mà làm ăn mang tính nhỏ lẻ, thời vụ, thỉnh thoảng mới cung cấp cho những doanh nghiệp trong chuỗi thôi và xuất nhập khẩu một cách riêng lẻ thì những doanh nghiệp đó ảnh hưởng rất là lớn. Bởi thông thường họ sẽ tự  tìm nguồn nguyên liệu ở nước ngoài, những nguồn truyền thống của họ thông thường rẻ nhất vẫn là Trung Quốc thì bị đứt gãy ngay.

Một số những doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện và sản xuất lắp ráp để bán hàng tiêu dùng ở Việt Nam thì ảnh hưởng nặng nhất. Một mặt là họ bị đứt gãy nguồn cung, mặt khác là hàng sản xuất ra thì không bán được vì thực sự là trong mùa dịch, thứ nhất là chúng ta cũng là có 2 thời kì giãn cách xã hội khá là lớn.

Trong lúc cả nước tập trung vào công tác chống dịch như thế thì hàng điện tử lúc đấy cũng được xem là hàng xa xỉ phẩm, không phải là ưu tiên số một trong tiêu dùng. Hàng điện tử tiêu dùng trong nước từ đầu năm đến giờ là bị ảnh hưởng chứ không chỉ có những tháng đầu năm.

May mắn rằng, dù doanh nghiệp điện tử có ảnh hưởng rất lớn nhưng chưa chứng kiến có một doanh nghiệp nào phá sản cả. Đây là nỗ lực rất lớn của tự thân doanh nghiệp.

Băng Dương (ghi)