Tổng Công ty May 10 đang khẩn trương làm những đơn hàng truyền thống để kịp giao đúng tiến độ trong quý II. Khác với năm trước phải ăn đong từng tháng, năm nay, họ đã đủ đơn hàng sơ mi, jacket hết quý III, lượng đơn veston đạt 50% năng lực sản xuất.

{keywords} 
Đơn hàng may tăng (ảnh: Băng Dương)

Trong khi đó, đơn hàng cho cả năm 2021 của Tập đoàn Prosport với các sản phẩm đồ thể thao đã đầy đủ, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ cán mốc 75 triệu USD. Việc cần làm lúc này là đảm bảo an toàn sản xuất để giao hàng đúng tiến độ.

"Trong phương thức kinh doanh, chúng tôi đang hợp tác với các đối tác tại châu Âu và Mỹ triển khai từ FUB dịch chuyển sang ODM để có thể tiếp cận những khách hàng lớn và trực tiếp với thế giới", ông Phan Minh Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Prosport, cho hay.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, hiện nay giá thành sản phẩm dệt may đã nhích hơn năm 2020, trở về thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Thế nhưng, khó khăn hiện nay với họ lại chính là việc tìm đủ nhân lực để sản xuất.

"Đến thời điểm hiện tại, ngành dệt may không còn là lựa chọn hàng đầu của người lao động bởi mức lương của công nhân dệt may thấp hơn so với các ngành khác như sản xuất điện tử. Bên cạnh đó, thời gian làm việc kéo dài, thậm chí phải làm việc cuối tuần, môi trường dệt nhuộm ảnh hưởng đến sức khỏe", Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search Ngô Thị Ngọc Lan nhận định.

Trong bối cảnh đơn hàng dồi dào như hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đề xuất Chính phủ sớm tạo điều kiện để các doanh nghiệp này được tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, vì nếu chậm trả đơn hàng, các doanh nghiệp dệt may sẽ phải chi chi phí nhiều hơn cho logistics, kho bãi, thậm chí bồi thường đơn hàng.

Thu Ngân