Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát, ngăn ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus nCoV gây ra, liên quan đến năng lực sản xuất khẩu trang vải, ngày từ đầu tháng 2, Bộ Công Thương đã tổ chức 1 cuộc họp khẩn do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Công ty Dệt kim Đông Xuân, Công ty CP - Viện nghiên cứu Dệt May, Tập đoàn Esquel Việt Nam và đại diện một số doanh nghiệp doanh nghiệp dệt may khác.

{keywords}
Cuộc họp khẩn của Bộ Công Thương với doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp tăng công suất sản xuất khẩu trang, ứng phó với Covid-19
{keywords}
Các doanh nghiệp dệt may chuyển hướng sản xuất khẩu trang phòng dịch

Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam báo cáo về năng lực sản xuất vải kháng khuẩn của doanh nghiệp thuộc Tập đoàn (Vải dệt kim kháng khuẩn của Công ty Dệt kim Đông Xuân và vải kháng khuẩn không dệt của Công ty cổ phần May Đồng Nai). Theo đó, năng lực cung ứng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đối với khẩu trang được làm từ vải dệt kim kháng khuẩn và vải kháng khuẩn không dệt ra thị trường đang tăng dần, hiện tại là 40-60.000 chiếc/ngày. Từ 14/2/2020, năng lực cung ứng đạt khoảng 400.000 – 500.000 chiếc khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn/ngày; vải không dệt kháng khuẩn đạt 10-15 tấn/ngày, tương đương 3-4 triệu khẩu trang dùng 1 lần/ngày.

Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết hiện nay năng lực may quần áo nói chung của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội là rất lớn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, hầu hết các doanh nghiệp không sản xuất khẩu trang. Trước diễn biến của dịch bệnh, một số doanh nghiệp đã chủ động may khẩu trang vải để phục công nhân viên trong nội bộ công ty, hoặc để phát miễn phí cho cộng đồng, chưa sản xuất để cung cấp khẩu trang ra ngoài thị trường. Trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệp sẵn sàng chung tay để cung ứng nhanh nhất khẩu trang vải cho cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định “Chúng ta hoàn toàn tự tin có khả năng cung ứng đủ khẩu trang vải cho thị trường”. Như vậy, người dân không còn lo với việc thiếu khẩu trang.

Để tăng khả năng cung cấp khẩu trang, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng có các bước chuẩn bị cho trường hợp cần thiết, Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai hàng loạt các công việc cấp bách.

Cụ thể, các đơn vị đã và đang tổ chức sản xuất khẩu trang cần đẩy mạnh công suất, tăng năng lực cung ứng khẩu trang vải ra thị trường. Đồng thời, các đơn vị phối hợp cùng Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp), Tập đoàn Dệt May, Hiệp hội Dệt May Việt Nam báo cáo số liệu về khả năng sản xuất và cung ứng khẩu trang vải ra thị trường, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước để đưa sản phẩm khẩu trang vào hệ thống phân phối lớn sẵn có để sản phẩm khẩu trang dễ dàng, thuận tiện đến tay người tiêu dùng.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương tăng cường kết nối doanh nghiệp cung cấp vải và các doanh nghiệp đang sản xuất khẩu trang có nhu cầu mua vải để hoạt động sản xuất khẩu trang vải của các doanh nghiệp được liên tục, không ảnh hưởng đến tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường.

Bộ Công Thương (Vụ Khoa học và Công nghệ) phối hợp cùng Công ty cổ phần Viện nghiên cứu Dệt May hướng dẫn quy trình, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm nghiệm nhanh chóng để thực hiện thủ tục Công bố hợp quy các sản phẩm khẩu trang vải, lưu thông trên thị trường.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam tiếp tục liên hệ và thống kê năng lực sản xuất, cung ứng vải, khẩu trang vải, nguồn cung nguyên liệu của các doanh nghiệp dệt may thành viên, gửi Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp) để tổng hợp, lên kế hoạch triển khai trong những trường hợp cụ thể.

Thu Ngân