Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, trong tháng 7 vừa qua, Việt Nam nhập nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) với giá trị kim ngạch đạt 2,14 tỉ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Lũy kết trong 7 tháng đầu năm, giá trị kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 14,34 tỉ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

{keywords}
7 tháng đầu năm: Việt Nam nhập nguyên phụ liệu dệt may, da giày Trung Quốc gần 7 tỷ USD (ảnh: Thu Ngân)

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường chính. Việt Nam nhập từ nước này các nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày với giá trị hơn 6,66 tỉ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước;  Hàn Quốc nhập 1,78 tỉ USD; giảm 5,3%; Mỹ nhập 1,48 tỉ USD, tăng 16,7%; từ Đài Loan đạt trị giá 1,37 tỉ USD, giảm 2,8%...

Như vậy, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chiếm tới 50% nguồn cung đầu vào của ngành dệt may, da giày Việt Nam.

Trong số nguyên liệu nhập khẩu cho ngành dệt may, vải có lượng nhập lớn nhất, chiếm 45%. Với ngành da giày, nhập khẩu da tới 65-70%, vải 40%...

Hiện nay, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam có 6.000 doanh nghiệp và gần 3 triệu công nhân. Đây là ngành công nghiệp gia công tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, phụ thuộc nguyên vật liệu bên ngoài lớn nên chưa phát triển bền vững. 

Trong khi đó, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho biết hiện ngành này chỉ chủ động được 30-35% phụ liệu da, còn lại 65-70% là phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Phụ liệu vải thì nhập khẩu ít hơn, chỉ chưa đến 40% chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan và da tổng hợp nhập khẩu trên 50% từ Trung Quốc.

Thu Ngân