Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2019, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (đạt mức hơn 39 tỷ USD), song ngành này phải bỏ ra 22,3 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu như vải, khóa kéo, phụ kiện… phục vụ sản xuất.

Đây là một nghịch lý, bởi ở các nước phát triển, ngành công nghiệp hỗ trợ thường đi trước một bước hoặc song hành cùng ngành công nghiệp chính, thì ở Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ lại đi sau.

{keywords}
Công nghệ dệt nhuộm Việt Nam chậm hơn các nước trong khu vực từ 15-20 năm

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam từng thừa nhận rằng: Nguồn cung nguyên liệu ngành dệt may chính là nút thắt lớn trong việc hưởng cơ hội mà EVFTA mang lại. Do vậy, các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ cao của EVFTA sẽ là thách thức với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt là khâu dệt, nhuộm.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Dệt may Việt Nam, hiện trình độ công nghệ trong ngành dệt nhuộm Việt Nam chậm hơn các nước trong khu vực từ 15-20 năm. Do công đoạn nhuộm và hoàn tất của Việt Nam còn kém phát triển nên các doanh nghiệp phải xuất vải mộc và nhập khẩu vải đã qua xử lý về sử dụng.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng phải có cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết khép kín, thúc đẩy cơ chế xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại để chu trình dệt-nhuộm-may hoàn tất.

Được biết, Bộ Công Thương đang soạn thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2030 - đó là cơ hội để phát triển thêm 1 chân nữa cho chiếc kiềng 2 chân: dệt - may.

Khánh Vy