Đó là một trong những hạn chế lớn của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, trong đó có nhóm các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Kế hoạch và đầu tư mới đây đã có báo cáo đánh giá  hiện trạng và khả năng tham gia chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam được gửi đến Hội thảo chuyên đề thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam (đã diễn ra ngày 24/9/2019).

Theo báo cáo này, Bộ Kế hoạch đầu tư nhận định, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước mới chỉ là các doanh nghiệp cung ứng cấp 3, 4 cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Sản phẩm cung ứng chủ yếu là các linh kiện, vật tư đơn giản, có giá trị thấp (bao bì đóng gói, các chi tiết đơn giản, v.v.). Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu theo khảo sát của VCCI mới đạt 40%.

Lý giải về thực trạng này, Bộ Bộ Kế hoạch đầu tư đã nêu ra 5 hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp CNHT cho ngành cơ khí và doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí nói chung.

Doanh nghiệp còn thụ động, chưa chú trọng tiến độ giao hàng

Theo đó, thứ nhất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp. Ngành cơ khí đa dạng về sản phẩm nhưng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt.

Việc mở rộng thị trường hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường trong khi nội lực còn kém. Các doanh nghiệp sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến. Hơn nữa, các cam kết tự do thương mại cũng tạo áp lực đối với doanh nghiệp trong nước khi hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước bị gỡ bỏ.

{keywords}
Đảm bảo tiến độ giao hàng là một yếu tố thành công cho doanh nghiệp CNHT cơ khí (ảnh chụp tại cty Mai Văn Đáng: Phạm Huyền)

 

Trong khi đó, việc tham gia chuỗi giá trị và cung ứng của doanh nghiệp FDI đòi hỏi phải nâng cao khả năng cạnh tranh ở ít nhất 3 khía cạnh nữa, bao gồm: sản xuất ở quy mô lớn; giao hàng đúng thời điểm và tiếp cận được kênh phân phối phù hợp.Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến nâng cao khả năng cạnh tranh ở khía cạnh giá và chất lượng hàng hóa.

Đáp ứng đơn hàng có quy mô lớn là không dễ khi các doanh nghiệp CNHT chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, lĩnh vực còn rất lỏng lẻo, dẫn tới hạn chế khả năng cung ứng được cho các đơn hàng lớn. 

Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng còn thụ động trong tiếp cận, kết nối thông tin thị trường và nhu cầu từ phía các doanh nghiệp sản xuất chế tạo, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.

Trong thời gian qua, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp CNHT vẫn theo các đơn đặt hàng và có tính ngắn hạn, phụ thuộc vào yêu cầu mẫu mã, chất lượng hoặc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI.

Các doanh nghiệp gần như thiếu những khảo sát thị trường, thiếu các dự báo dài hạn về xu hướng biến đổi của KH&CN có liên quan.

Chưa kể, các doanh nghiệp trong nước cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận và tìm hiểu thông tin từ các đối tác nước ngoài liên quan tới định hướng điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong tương lai (gắn liền với đó là khả năng điều chỉnh về công nghệ sử dụng, yêu cầu với linh phụ kiện đầu vào, v.v.). Nhận thức và khả năng tận dụng ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam còn không ít hạn chế.

Trình độ công nghệ còn thấp

Cũng theo Bộ Kế hoạch đầu tư, trình độ công nghệ của doanh nghiệp CNHT cơ khí Việt Nam còn thấp. Đây chính là hạn chế lớn thứ 2 khiến giá thành các sản phẩm CNHT còn cao.

{keywords}
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí cần nâng cao nội lực của mình để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (ảnh chụp tại Cty EMTC: Phạm Huyền)

Do đó, ngành cơ khí Việt Nam có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành chậm đổi mới.Bộ này cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tổ chức sản xuất ở trình độ công nghiệp 2.0 và chưa hoàn thành trình độ công nghiệp 3.0. Công nghệ cơ khí Việt Nam 39,3% là công nghệ thấp, 48% là công nghệ trung bình, 12% công nghệ tương đối tốt nhưng chủ yếu là thuộc về doanh nghiệp FDI.

Theo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 cho thấy trụ cột về Mức độ sẵn sàng công nghệ của Việt Nam chỉ xếp hạng 71/137, thấp hơn nhiều so với Singapore (14), Thái Lan (60). Trong đó, chỉ số thành phần về Mức độ sẵn có của công nghệ mới của Việt Nam chỉ được xếp hạng 112, Khả năng hấp thụ công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp xếp hạng 93, chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI xếp hạng 89.

Hiện nay, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu.

 Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2% (trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ đó là 31%, Malaysia 51% và Singapore: 73%). Chỉ khoảng 7% doanh nghiệp chế biến – chế tạo đầu tư vào hoạt động R&D hoặc cải tiến công nghệ, và tỷ lệ chi cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) chỉ vào khoảng 0,2-0,5% tổng doanh thu.

 

Với nền tảng công nghệ và quản trị như trên, các doanh nghiệp ngành cơ khí Việt Nam nói chung và cả doanh nghiệp CNHT đều phụ thuộc nguyên phụ liệu bên ngoài.  Trong đó, với sắt thép và các loại hợp kim màu, đầu vào cho doanh nghiệp ngành này thì hầu hết các trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu.

Điều này thể hiện ở kết quả điều tra của Trung tâm Phát triển doanh nghiệp CNHT, doanh nghiệp Việt Nam mới đáp ứng được 22,5% nhu cầu linh kiện cơ khí trong ngành điện tử, 19,2% linh kiện nhựa – cao su; và chỉ 9,5% linh kiện điện tử chuyên dụng.

Hạn chế thứ 4 là nhân lực. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhân lực ngành cơ khí Việt Nam còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là đội ngũ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, trong khi đây là yếu tố quyết định năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất của doanh nghiệp.

Số thợ cơ khí có tay nghề cao giảm sút, lao động chuyên môn thiếu chứng chỉ nghề quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ. Lực lượng nghiên cứu triển khai, trước hết là đội ngũ tư vấn thiết kế chưa đạt trình độ, đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.

Đáng chú ý, phần lớn lao động tại các doanh nghiệp CNHT là lao động phổ thông, được đào tạo dưới hình thức vừa học vừa làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp rất thấp và luôn trong tình trạng khan hiếm.

Theo kết quả báo cáo về “Vốn con người” của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2017, thứ hạng của Việt Nam về lao động có kỹ năng chỉ nằm trong nhóm trung bình thấp. Đáng lo ngại nhất là lao động kỹ năng nghề bậc trung đứng gần cuối bảng xếp hạng (vị trí 128/130), lao động kỹ năng nghề bậc cao đứng vị trí 99/130 quốc gia. 

Hạn chế thứ năm được Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ ra là vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả. Tư duy tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại) còn hạn chế. Hoạt động xúc tiến đầu tư hầu như chỉ tập trung vào thu hút FDI, trong khi chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ĐTNN.

Bộ KHĐT cho rằng, Chính phủ cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, hoàn thiện cơ chế chính sách về mọi mặt để khắc phục 5 hạn chế lớn trên, từ vốn, tín dụng, đất đai, thuế… Bản thân các doanh nghiệp cơ khí chế tạo cũng cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, xây dựng một triết lý kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số, có cách đi phù hợp, kết hợp giữa “kế thừa” và “đi tắt đón đầu” một cách hợp lý.

Để nâng cao cải thiện tình hình trên, Bộ Công thương đang đề xuất Chính phủ cần ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển cơ khí.

Phạm Huyền

Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện về đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam

Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện về đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam

Thủ tướng nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy, chống bao cấp nhưng phải tạo mọi điều kiện về chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam.