Các ngành nghề phi nông nghiệp như nấu ăn, nghề may công nghiệp hay sản xuất mây tre đan… đã mở ra những cơ hội nghề nghiệp mới cho người nông dân tăng thêm thu nhập lúc nông nhàn và được ‘chuyển nghề’ khi ruộng đất bị thu hồi.

Đa dạng cơ hội việc làm

Đất nông nghiệp nhà anh Phạm Văn Đông (Yên Phong, Bắc Ninh) bị thu hồi để phục vụ mở rộng các khu công nghiệp. Giữa lúc đang lúng túng không biết chuyển nghề gì thì anh may mắn được theo học ớp dạy nghề nấu ăn do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Sau khóa học, anh đã tìm được công việc ổn định tại nhà hàng trong thành phố với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Cũng được học nghề ở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) lại thành công với nghề mây tre đan. Chỉ mất 2,5 tháng chị đã có thể làm được sản phẩm để bán. Nhờ có nghề mới này, chị có thể làm thêm quanh năm và tăng thêm thu nhập bởi nghề nông nghiệp truyền thống gia đình vẫn làm thu nhập chẳng được là bao.

{keywords}
Ảnh: doanhnghiephanoi

Còn chị Hà Thị Hằng (Minh Lãng, Vũ Thư, Thái Bình) thì quyết tâm theo học lớp cắt may thời trang cho lao động nông thôn để bỏ nghề nông theo nghiệp mới: làm công nhân may. Chị chia sẻ: “Nhà có vài sào ruộng, có thâm canh cả 3 vụ, lấy công làm lãi tính ra thu nhập sau khi trừ hết chi phí cũng chẳng được lấy 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chỉ sau 3 tháng học nghề may, mình đã có thể cắt và may các loại quần áo thời trang và xin vào các công ty, xí nghiệp may mặc trong tỉnh. Lương công nhân may chưa có tay nghề đã tầm 3 triệu đồng/tháng chưa kể tăng ca. Nếu tay nghề giỏi thì lương có thể gấp đôi, gấp ba. Ở nông thôn, thu nhập như thế là ổn”.

{keywords}

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, đào tạo nghề phi nông nghiệp đã và đang trở thành một hướng đi mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nghề ở nông thôn.

Chẳng hạn như ở Bắc Ninh, trong 4 năm đã tổ chức đào tạo 35 ngành nghề các loại trong đó có tới 22 nghề phi nông nghiệp được người nông dân lựa chọn. Đến nay, đã có hơn 1,4 vạn lao động nông thôn theo học nghề phi nông nghiệp (chiếm gần 69% tổng số đào tạo) có được việc làm ổn định, trong đó, bao gồm hơn 2.600 lao động được các đơn vị sử dụng lao động tuyển dụng; hơn 7.000 lao động tự tạo được việc làm; trên 4.500 lao động được nhận bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

Còn tại Bến Tre, đào tạo nghề phi nông nghiệp đã giải quyết việc làm 85% LĐNT tại địa phương và vùng nguyên liệu tại chỗ.

Trên phạm vi cả nước, từ 2010-2014, cũng có tới 57,3% nông dân học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề sang công nghiệp, dịch vụ.

Lựa chọn phù hợp khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp

Theo số liệu của Tổng cục Quản lý đất, Bộ Tài nguyên Môi trường, bình quân mỗi năm đất nông nghiệp giảm gần 100 nghìn hécta và số lao động bước ra khỏi ruộng đồng vào khoảng 400 ngàn người. Mức gia tăng dân số ở nông thôn không giảm nhiều như mong đợi, khiến cho bình quân đất canh tác trên đầu người ngày càng giảm mạnh.

Như vậy, một bộ phận nông dân bị giảm thu nhập do thu hẹp diện tích canh tác, phần khác không có đất lại loay hoay tìm hướng chuyển nghề. Trong điều kiện đó, nghề phi nông nghiệp chính là sự lựa chọn phù hợp cho lao động nông thôn.

Chính vì vậy, hàng loạt tỉnh thành trên cả nước đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động và khả năng sản xuất của nông dân. Hi vọng nhóm nghề phi nông nghiệp sẽ sớm thực sự là “lời giải” của “bài toán” tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

D.Minh (tổng hợp)