{keywords}
{keywords}

Ông Nguyễn Bảo Sinh tự bạch:

“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà

Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ

Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ

Trông đâu cũng thấy nửa thơ nửa gà”


Clip: Toàn bộ cuộc trò chuyện của "Vua chó mèo" Bảo Sinh.

Nhà báo Hà Sơn: Là người nhiều tài lẻ như biết làm thơ, giỏi võ, lại yêu chó mèo không biết ông hào hứng nói về chủ đề nào đầu tiên?

Ông Bảo Sinh: Mọi cái đến và đan xen vào nhau nhưng có lẽ tình yêu động vật là đầu tiên với tôi. 5 tuổi, lúc ấy tôi yêu chó mà nó lại đẻ nên khi chui vào cho ăn bị nó cắn, vết sẹo ở cằm và trán từ năm 1945 đến nay vẫn còn.

Khi còn nhỏ tôi đã gắn bó với con chó sau này trong chiến đấu thuộc sư đoàn 361, trên xe tăng, thiết giáp đi đâu tôi cũng mang chó theo. Bây giờ gần cuối đời tôi lại yêu con chó hơn. Tôi cầu siêu chó mèo và khách sạn này (ông Bảo Sinh chỉ tay khu nhà đang ở - PV) chuyển thành khách sạn tâm linh của chó mèo. Có lẽ đời trước tôi tạo nghiệp với chó nên kiếp này phải phục vụ, gắn bó với nó.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Ở tuổi 80 ông có sự thống kê nào về những con chó mình đã nuôi, hay đã gắn bó?

Ông Bảo Sinh: Có nhiều cái gắn bó với tôi về con chó. Đầu tiên không phải con chó mà lại là người thân. Tôi rất yêu chó, ngày xưa không có nghề nuôi chó nhưng bố tôi đã bảo: “Lớn lên chỉ có chó nó nuôi mày”, câu nói của cụ nghiệm đến bây giờ. Con chó gắn bó với tôi nhất là Amy mua những năm 70, một con chó tương đương một cây vàng có thể mua được một tòa nhà.

Con Amy tôi mua về đẻ ra con con. Con chó ấy sinh ra trong thời kỳ kinh tế Việt Nam khó khăn, những năm 70-80 nước ta cấm nuôi chó nên để nuôi được một con chó thời điểm ấy là một sự kỳ vĩ. Con chó ấy có nhân duyên với tôi với kỷ niệm nhiều lần tôi phải ôm nó khi đội dân phòng đi đánh, bắt chó. Tôi vẫn nhớ ôm nó đi qua ao khi lội phải nằm xuống dưới bè rau muống với bèo khi đội đuổi chó đi mới đứng lên thì đỉa đậu đầy người.

Nhà báo Hà Sơn: Chó là con vật trung thành, ông gắn bó với nó như vậy đã bao giờ phải đối diện điều khó khăn trong cuộc sống như giữa sự sống và cái chết và được bảo vệ hay giúp đỡ từ những con chó?

Ông Bảo Sinh: Thật ra nó bảo vệ mình chưa dám nói nhiều nhưng có câu chuyện khác. Chó gắn bó với tôi ý nghĩa hơi tầm thường tức là những năm kinh tế khó khăn con chó xây dựng cho mình cơ nghiệp, tất cả tài sản tôi có đều do con chó đưa lại. Người ta không thể vì tiền mà yêu chó và cũng thể yêu chó một cách say đắm suốt đời lại không có tiền. Cho nên tôi vẫn nói: “Khi mê tiền chỉ là tiền. Ngộ ra mới biết trong tiền có Tâm’’. Nếu bây giờ mình không làm vì kinh tế không thể gắn bó suốt đời được. Vợ con gia đình, miếng cơm manh áo không đùa với khách nuôi chó đâu nên phải gắn cả hai.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Nếu không quá bí mật ông có thể chia sẻ tài sản mình có được nhờ gắn bó với chó mèo?

Ông Bảo Sinh: Không dám nói nhiều nhưng có cái vô giá nhất đó là tất cả con cái tôi đi học nước trong nước ngoài trưởng thành là nhờ tôi nuôi chó. Tôi có chủ trương không bao giờ giữ nhiều tiền, ít tiền là một sai lầm nhưng nhiều tiền lại sai lầm hơn nên sống vừa đủ, chỉ có một vài chục triệu thôi nhưng thú thật với bạn tài sản tôi có được từ nuôi chó nó giao động từ 10 tỉ đến 100 tỉ, áng chừng như thế.

Nhà báo Hà Sơn: Trăm tỉ là con số rất lớn, thưa ông?

Ông Bảo Sinh: Ừ, từ chục tỉ đến trăm tỉ, cứ nói chung chung thế. Chó nó nuôi cả gia đình, các con tôi trưởng thành rồi nhà cửa cơ ngôi này (ông Bảo Sinh chỉ tay vào khu nhà mình đang ở - PV) tôi xây cũng bằng tiền nuôi chó đấy.

Nhà báo Hà Sơn: Ngoài tình yêu dành cho những con vật ông cũng có những năm tháng đi thi đấu và dành tình yêu cho võ thuật. Từ mối duyên nào ông gắn bó với võ thuật?

Ông Bảo Sinh: Tôi gắn bó với võ thuật từ khi 7-8 tuổi. Hồi đó học Chu Văn An đi qua một trường học của Pháp vài người bạn cùng trang lứa hay gây sự. Ngày xưa rủ đánh nhau gọi là: “Một chọi một ra cột đồng hồ’’. Đánh nhau xong là thôi không hận thù. Năm 14 tuổi tôi mới học võ, môn boxing và say mê với võ từ đấy. Tôi không đạt các thành tích cao nhưng tự hào trên võ đài chưa bao giờ bị mó sàn. Khi học tôi cũng có cách đánh riêng, thầy dạy nhưng mình phải sáng tạo và khi tôi dạy con trai quan điểm cháu phải đạt huy chương vàng.

Mọi người bảo: ‘’Ông có đạt huy chương vàng đâu mà đòi dạy con phải đạt huy chương vàng?’’. Tôi mới nghĩ và nhận ra sau khi đi nhiều lò võ đó là họ dạy sai lầm hoàn toàn. Ở đây, không phải sai về kỹ thuật mà sai về triết lý nhân sinh, họ dạy 100 người giống nhau cả 100. Lúc đó tôi nghĩ 100 võ sinh của tôi phải dạy 100 kiểu khác nhau mới thành công. Mỗi người tôi dạy một kiểu, từ đứng thế cách đánh khác nhau. Con trai tôi có duyên vì năm 1994 thi đấu được huy chương vàng toàn quốc, chuẩn bị đi Sea Game thì Thủ Tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh cấm quyền anh kéo dài trong mười mấy năm nên cháu là người giữ đai vô địch trong mười mấy năm.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Ở tuổi 80, ông còn tập võ không?

Ông Bảo Sinh: Năm 70 tuổi tôi đã tổ chức thi đấu tại nhà mình. Trước tất cả anh em nghệ sĩ như Lê Thiết Cương, Đinh Quân... tôi hỏi có ai đấu võ với Bảo Sinh không? Đinh Quân lúc bấy giờ hào hứng, tôi tuyên bố hôm nay Đinh Quân đấu với tôi nếu bỏ cuộc sẽ mất vợ cho tôi còn tôi bỏ cuộc tôi sẽ mất vợ cho anh ấy. Hai anh em bắt tay nhau nhưng chỉ một phút sau Đinh Quân bảo: “Không, em không nhận lời. Lý do vợ anh gần 70 tuổi, vợ em chưa đến 30 tuổi đổi thì chết em’’. Đinh Quân bảo sẽ đấu võ nhưng không đồng ý điều kiện tôi đưa ra. Lúc bấy giờ Hồng Minh - Vụ trưởng vụ Thành tích cao làm trọng tài. Khi lên võ đài, tôi có đọc một bài thơ trước khi vào đấu:

“Già rồi đóng bỉm đi chơi

Quyết không chết nơi xó giường''

Tôi nói với Đinh Quân, anh là họa sĩ nghề vẽ hôm nay đánh võ nên tôi xếp vào loại ''võ vẽ'', còn tôi làm thơ mà đấu võ nên là "văn võ song toàn". Tôi ra đòn tâm lý với đối thủ trước xong hai bên đánh nhau, một trận đánh giao hữu rất vui.

Nhà báo Hà Sơn: Thơ của ông được chế rất nhiều và đến giờ trên cộng đồng mạng vẫn thích những câu thơ gieo vần của ông… Ý thơ đầu tiên sáng tác, ông còn nhớ chứ?

Ông Bảo Sinh: Có lẽ thơ ở trong tôi từ khi nằm trong bụng mẹ vì bố suốt ngày đọc thơ. Ngày bé cho đến khi tôi hai ba tuổi cụ đã bắt đọc thơ cụ tặng người yêu đã mất. Bài thơ tôi học thuộc từ năm 3 tuổi.

“Những mong dốc cả lòng mơ

Dành thời xuân để đợi chờ người yêu

Nhưng than ôi sắc diễm kiều

Miệng cười khiến cả một chiều thu say

Mắt nhìn cho lá ngàn bay

Thướt tha dáng liễu hương ngây ngất trời

Đã không còn ở cõi đời

Để cùng nhau cạn những lời tình xưa”

Nhà báo Hà Sơn: Có thông tin trước khi ông cụ qua đời có gọi con trai Bảo Sinh lại hỏi: “Thơ tao hay thơ mày hay hơn?’’, thực hư câu chuyện này ra sao, thưa ông?

Ông Bảo Sinh: Vừa đúng vừa không, đúng ở chỗ khi ông cụ ốm nặng có gọi tôi vào bảo: “Anh Sinh, anh ngồi đây’’. Ngày xưa bố hay gọi tôi là "anh" vì ngày xưa tôi gọi cụ và xưng em, không xưng bố con. Rồi ông tiếp lời: “Anh ngồi đây tôi nói cho anh nghe. Rất nhiều người bảo thơ tôi hay hơn thơ anh, nhưng nhiều người lại bảo thơ anh hay hơn của tôi, vậy anh nghĩ thế nào nói tôi nghe. Tôi ốm sắp mất, muốn nghe lời nói thật của anh?”. Tôi bảo: "Thưa cụ, thơ của cụ hay hơn thơ em là cái chắc’’. Cụ bật dậy ôm chầm lấy tôi và nói: “Thế là anh báo hiếu cho tôi rồi. Từ nay trở đi bao nhiêu sai lầm của anh, tôi bỏ qua hết”. Chỉ một câu mà cụ khỏi bệnh bắt đầu đi chơi lại bình thường.

{keywords}

Nhà báo Hà Sơn: Lúc đó ông nói thật lòng hay chỉ muốn bố mình vui nên…

Ông Bảo Sinh: Thật ra có những câu thơ của cụ hay hơn, tôi muốn nói mạch ấy nhưng nhìn chung tôi thấy thơ cụ không hay bằng thơ tôi. (cười). Vậy nên tôi từng viết: ‘’Quá yêu sự thật trên đời. Cho nên phải nói những lời dối nhau”. Cụ cho tôi cảm hứng về thơ văn lớn nhất. Giờ phút sắp mất cụ gọi tôi lại bảo: “Tôi làm bài thơ nhưng bây giờ không nói rõ lắm, nghe không rõ, tôi đọc từng câu anh viết lại". Tôi cứ nghe từng chữ trong 20 phút, xóa đi xóa lại thành câu thơ cụ tặng vợ.

“Bảy mươi lăm năm có là gì

Coi như giấc mộng xuân thì mà thôi”

Viết xong tôi đọc lại, cụ cụ gật đầu vui vui rồi xuôi tay và 5 phút sau ra đi. Tức là trước khi chết mấy phút cụ vẫn làm thơ tặng vợ. Gia tài của cụ khi chia cho các con còn nhiều tranh luận, nhưng gia tài thi ca cụ truyền cho tôi không ai tranh cả, đó là gia tài không di chúc và không có tranh chấp.

Nhà báo Hà Sơn: Mọi người nói câu chế: “Ra đường sợ nhất công nông. Về nhà sợ nhất vợ không nói gì’’ hình như xuất phát từ ý thơ của ông?

Ông Bảo Sinh: Thực ra thơ của tôi nằm trong ca dao tục ngữ khá nhiều nên câu của mình họ cho là của họ và của họ lại đổ sang cho mình. Thế nên tôi mới nói:

“Gặp kẻ ăn cắp thơ ta

Hóa ra người ấy lại là tri âm”

Ai lấy thơ tôi hay bảo của tôi - tôi cũng nhận, không phản đối. Câu thơ bạn nhắc theo tôi nó xuất phát từ ngày trước tôi viết câu thơ thế này:

“Sang sông sợ nhất đò đông

Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”

{keywords}

Sau đó người ta dị bản dần dần có khi lại hay hơn mình, có khi người ta bảo của người ta cũng đúng. Có ông chế thế này:

“Ra đường sợ nhất công nông

Về nhà sợ nhất vợ không mặc quần”

Có ông khác lại nói:

“Lên rừng sợ nhất mãng xà

Về nhà sợ nhất vợ già khỏa thân”

Tức là nó diễn biến lung tung đi khắp nơi. Bây giờ bảo của tôi cũng được mà không cũng được, không nên tranh luận.

Nhà báo Hà Sơn: Ông viết nhiều thơ từ chủ đề vợ, tình bạn, cuộc sống... nếu thống kê chủ đề nào ông hay viết nhất?

Ông Bảo Sinh: Quan điểm làm thơ của tôi là con chim bách thanh, tục nhất sẽ tìm đến thơ Bảo Sinh mà thanh nhất cũng tìm đến thơ Bảo Sinh, não nùng thê lương nhất cũng tìm đến thơ Bảo Sinh, cái gì cũng có vì hiện thực muôn màu muôn vẻ. Ví dụ câu tục nhất tôi không muốn đọc ở đây nhưng có câu này vừa vừa thôi:

“Hôm xưa lên tỉnh về làng

Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi

Bây giờ quần chễ rốn lồi

Khổ tôi khổ cả bố tôi đang thiền”

Những câu thơ thanh, ông có thể đọc…

Những câu thanh thơ tôi được trích trong trang web, được truyền sang thiền viện, những quán chay ở trong Sài Gòn lại hoàn toàn mang tính chất rất nghiêm trang. Ví dụ:

“Khi mê, bùn chỉ là bùn

Ngộ ra mới biết trong bùn có sen

Khi mê tiền chỉ là tiền

Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm”

Hay là những câu như:

“Cùng chung một chuyến đò ngang

Kẻ thì sang bến người đang trở về

Lái đò lái mãi thành mê

Sang về chẳng biết mình về hay sang”

Nhà báo Hà Sơn: Nhân dịp năm mới, ông có thể tặng độc giả VietNamNet một vài câu thơ?

Ông Bảo Sinh: Khó rất khó mà dễ rất dễ, bởi tôi nghĩ thế này này, không chỉ tặng VietNamNet mà cho tất cả mọi người.

“Tình nào cũng mối tình đầu

 Không ai đến được nơi đâu hai lần

Không gì cũ được mùa xuân

Mỗi mùa xuân đến vẫn lần đầu tiên”

Chúc VietNamNet lúc nào cũng là đầu tiên, lúc nào cũng mới.

Phần 2: "Vua chó mèo" Bảo Sinh tiết lộ vợ đẹp kém 13 tuổi

Sơn Hà - Đức Yên - Xuân Quý - Bạt Tuấn
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Phạm Luyện