Dư luận Tanzania đang dậy sóng trước thông tin, 7 công dân nước này vừa bị chính những người dân cùng làng tấn công và thiêu sống tới chết với cáo buộc họ là phù thủy.


{keywords}

Khắp châu Phi, niềm tin vào các thầy thuốc phù thủy vẫn còn phổ biến và ma thuật được xem là một phần bình thường của cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Mail and Guardian, vụ việc xảy ra hồi đầu tuần trước nhưng chỉ mới được thông tin rộng rãi khi cảnh sát bắt giữ hơn 23 người tình nghi là thủ phạm giết người.

Các nạn nhân, chủ yếu là người già, đã bị thiêu sống và trong một số trường bị các hung thủ dùng dao rựa đâm tới chết. Việc một trong số hơn 20 nghi phạm bị bắt là một "thần y" người địa phương - thầy phù thủy chữa bệnh cho mọi người, không phải là chuyện bất thường.

Khắp châu Phi, niềm tin vào các thầy thuốc phù thủy vẫn còn phổ biến và ma thuật được xem là một phần bình thường của cuộc sống hàng ngày. Một cuộc khảo sát năm 2010 đối với 18 quốc gia khu vực hạ Sahara của chây Phi phát hiện, hơn một nửa người dân ngưỡng vọng ma thuật.

Các thầy thuốc phù thủy không chỉ được tham vấn về cách chữa trị bệnh tật, mà còn được nhờ cậy xếp đặt hoặc loại bỏ các lời nguyền hay mang lại vận may. Ở châu Phi, không có gì là bất thường nếu người dân tới gặp các thầy thuốc phù thủy để nhờ trợ giúp ma thuật khi chuẩn bị đi phỏng vấn xin việc, khởi nghiệp kinh doanh hoặc tìm kiếm bạn đời.

Hiện vẫn chưa rõ đâu là nguyên nhân làm khởi phát vụ tấn công phù thủy ở quốc gia Đông Phi Tanzania, nhưng các cáo buộc về tà thuật thường xuất hiện tiếp sau một số rủi ro chưa rõ nguyên nhân, chẳng hạn như tai nạn, ốm đột ngột hay một giếng nước uống trong làng đột nhiên khô cạn. Nếu không có lời giải thích rõ ràng, ngay lập tức, sự cố có thể bị đổ lỗi cho một người nghi là phù thủy, vốn thường là phụ nữ hoặc người cao tuổi. Trong một số trường hợp, các cáo buộc tà thuật được sử dụng như một cái cớ để giải quyết hận thù cá nhân hoặc tịch thu tài sản của nạn nhân.

Việc bức hại những người nghi là phù thủy tương đối thịnh hành ở Đông Phi, đặc biệt là Tanzania. Hồi tháng 5 vừa qua, một phụ nữ bạch tạng ở vùng nông thôn Tanzania đã bị giết hại và lấy đi các phần cơ thể. Hai thầy thuốc phù thủy đã bị bắt vì liên quan đến vụ việc. Mặc dù người phụ nữ bạch tạng không bị cáo buộc là phù thủy, nhưng các bộ phận cơ thể cô được tin là có thể dùng để chế tiên dược và tạo ra phép thuật.

Theo các nhà nghiên cứu sử học, niềm tin vào ma thuật và việc trừng phạt các phù thủy từng tồn tại ở khắp nơi trên thế giới và đã có từ hàng thiên niên kỷ nay. Mặc dù các cuộc săn lùng phù thủy từng rất phổ biến ở châu Âu cách đây hàng trăm năm, hiện tượng này vẫn đang còn xảy ra ở Ấn Độ, châu Phi và Nam Mỹ. Các số liệu thống kế từ Ủy ban lưu trữ hồ sơ tội phạm quốc gia của Ấn Độ cho thấy, hơn 2.000 người ở nước này đã bị giết hại vì các cáo buộc phù thủy trong giai đoạn 2000 - 2012.

Đối với đa số chúng ta, niềm tin và ma thuật và phù thủy dường như kỳ quặc và khôi hài, đặc biệt quanh dịp lễ hội Halloween (31/10), nhưng nó có thể đem lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng ở một số nơi trên thế giới.

Tuấn Anh (Theo Discovery)