- Các doanh nghiệp Việt Nam có thể phá sản và giải thể nếu như không chuẩn bị trước để đáp ứng các quy định về sở hữu trí tuệ trong TPP, theo Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân.

LTS: Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong số 30 chương đàm phán của TPP. Một khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro liên quan tới vi phạm SHTT. Báo VietNamNet có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân xung quanh vấn đề này.

- Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã nói nhiều tới những cơ hội khi tham gia “sân chơi” TPP. Vậy còn những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sân chơi này là gì?

Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất chính là sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải tháo rỡ hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật cũng từng bước được dỡ bỏ, do đó nếu sản phẩm hàng hoá không có chất lượng tốt, giá thành hạ, mẫu mã phù hợp thì khó cạnh tranh với hàng hóa các nước trong TPP.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân. Ảnh: Lê Văn.

Trình độ công nghệ của chúng ta lạc hậu 2-3 thế hệ so với các nước đối tác, tiềm lực của DN Việt Nam về vốn, nhân lực, thị trường còn nhỏ bé, hàng hóa của Việt Nam còn có chất lượng chưa cao. Trong khi đó, khi TPP dỡ bỏ hàng rào thuế quan, các dòng thuế sẽ giảm ngay lập tức, hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của các nước khác, khi đó các DN Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

- Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong số 30 chương đàm phán của TPP, với tư cách là đơn vị quản lý nhà nước về SHTT, xin Bộ trưởng cho biết những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong vấn đề này?

Trong những năm qua, chúng ta đã làm rất tốt công tác xác lập quyền SHTT. Tuy nhiên, cho tới hiện nay, việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam vẫn còn yếu. Do vậy, khâu thực thi quyền SHTT vẫn là lo ngại lớn nhất khi làn sóng đầu tư, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam sau khi TPP có hiệu lực sẽ khiến các tranh chấp SHTT bùng nổ. Tới lúc đó, nếu chúng ta ko có hệ thống thực thi quyền đầy đủ sẽ không giải quyết được, rất có thể bị những chế tài của TPP khiến chúng ta phải chịu những thua thiệt trước các DN nước ngoài.

Ngoài ra, các vi phạm SHTT hiện nay chúng ta chủ yếu xử lý bằng xử phạt hành chính nhưng theo TPP, các vi phạm này phải xử lý hình sự. Sắp tới phải xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự trong đó quy định rất rõ những tội danh liên quan đến SHTT và khung hình phạt đối với tội danh này. Do vậy, khối lượng công việc chúng ta phải thực hiện là rất lớn để thực thi SHTT, nhất là với DN trong TPP.

- Hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền riêng và SHTT nói chung trong các DN Việt Nam khá phổ biến. Vậy, nguy cơ nào các DN Việt sẽ phải đối mặt một khi TPP có hiệu lực, thưa Bộ trưởng?

Lâu nay, việc sử dụng phần mềm không bản quyền giúp doanh nghiệp Việt Nam đỡ tốn kém, sự cạnh tranh có lợi thế dù là lợi thế không hợp pháp. Tuy nhiên, khi tham gia TPP không thể trốn tránh việc sử dụng phần mềm bản quyền, chi phí của doanh nghiệp tăng lên, sức cạnh tranh sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, bản quyền phần mềm mới là một phần của SHTT. Sắp tới, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với những vi phạm khác nữa như nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế…. Trong quá khứ chúng ta chưa phải chịu sức ép lớn về vấn đề này. Tuy nhiên, sắp tới vấn đề này sẽ phải xử lý ở mức độ cao hơn, do vậy, DN nào vi phạm bản quyền nói riêng và SHTT nói chung sẽ đứng trên bờ vực phá sản và giải thể nếu không có sự chuẩn bị tốt.

Đến lúc không thể che giấu yếu kém

- Tuy nhiên, thời gian có hiệu lực chính thức của TPP không dài, trong khi chúng ta phải sửa đổi nhiều chính sách, luật, đó là còn chưa kể đến thời gian cần thiết để các chính sách đi vào cuộc sống, liệu các DN Việt có kịp chuẩn bị?

Chúng ta có may mắn là từ khi ký đến khi có hiệu lực thời gian khá dài, khoảng 2 năm. Bên cạnh đó, khi TPP có hiệu lực, một số điều khoản chúng ta đã đàm phán để có thời gian chuyển tiếp, có thể là 3 năm, 5 năm, một số nội dung thậm chí là kéo dài hàng chục năm để có thời gian chuẩn bị. Tôi nghĩ nếu DN Việt tích cực chuẩn bị thì sẽ ứng phó được.

Tuy nhiên, phải nói rằng nếu không làm thật quyết liệt không thể đáp ứng được yêu cầu rất cao của TPP. Đã đến lúc không thể che dấu những yếu kém của chúng ta trong vấn đề SHTT. Các chế tài của TPP rất chặt chẽ. Nếu chúng ta vi phạm, ngoài các DN cạnh tranh kiện cáo lẫn nhau, các quốc gia có thể đưa ra tòa án bản quyền của TPP. Khi tòa án phán quyết, các quốc gia đều phải tuân thủ. Do đó chúng ta không thể cứ tiếp tục vi phạm SHTT như trước đây. DN cũng như các cơ quan nhà nước sẽ phải đối mặt với việc này. Chúng ta phải nỗ lực để hạn chế tối đa tranh chấp có thể xảy ra, vừa để bảo vệ doanh nghiệp nhưng phải tuân thủ những quy định đã cam kết với TPP.

- Vậy bộ trưởng có lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề này khi tham gia vào sân chơi TPP?

Tôi nghĩ rằng, các DN tối thiểu nên làm 3 việc:

Thứ nhất, nếu có tài sản trí tuệ thì phải đăng ký để được bảo hộ trong toàn khối TPP ngay lập tức như sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý…

Thứ 2 là phải nhanh chóng đổi mới công nghệ. Công nghệ chúng ta hiện nay đang rất lạc hậu, ngay cả nếu thuế suất về không thì hàng hóa với công nghệ lạc hậu như hiện nay vẫn không thể cạnh tranh được, ngay cả các mặt hàng truyền thống như gạo, rau quả.

Để làm việc đó, DN phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho KHCN, nhất là nghiên cứu ứng dụng trong DN. Các DN cũng nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của nhà nước bên cạnh nguồn lực của chính mình. Hiện nay, Chính phủ đã có Chương trình Đổi mới Công nghệ, Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia, các DN nên vận dụng tối đa nguồn lực này.

Thứ 3, DN phải chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực và thị trường. Không thể có công nghệ tốt nếu như không có nhân lực tốt. Còn chuẩn bị thị trường nghĩa là xem đối thủ của mình là ai, giá cả ra sao, trình độ nào, thị phần trong khu vực như thế nào đồng thời phải có chiến lược cạnh tranh thích hợp. Các DN, nhất là DN sản xuất, phải khẩn trương làm việc này trong 2-5 năm, nếu chậm hơn nữa thì không thể cạnh tranh được.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Lê Văn