Trên các cánh đồng cỏ sa mạc cát ở Namibia, miền nam châu Phi xuất hiện vô số điểm trơ trụi dị thường, hình vòng tròn và điều kỳ lạ hơn là một vài trong số chúng biến mất nhiều năm sau đó vì nguyên nhân mà chưa có bất kỳ nhà khoa học nào giải đáp được.

Các "vòng tròn tiên" kỳ lạ xuất hiện trên những cánh đồng cỏ sa mạc cát ở Namibia. Ảnh: Live Science.

Theo một nghiên cứu vừa được đăng tải chi tiết trên tạp chí PLoS ONE, các “vòng tròn tiên” nhỏ có tuổi thọ trung bình khoảng 24 năm trong khi các vòng tròn lớn hơn có thể tồn tại tới 75 năm. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu không thể lý giải được tại sao các vòng tròn lại hình thành, tồn tại một thời gian và sau đó biến mất không để lại dấu vết sau vài thập niên.

Trang Live Science dẫn lời Walter Tschinkel – tác giả nghiên cứu và là một nhà sinh vật học tại Đại học Florida (Mỹ) cho hay: “Câu hỏi tại sao rất khó. Người ta đã đặt ra nhiều giả thiết nhưng không có giả thiết nào hội đủ bằng chứng thuyết phục”.

Chuyên gia Tschinkel tiết lộ, ông bắt đầu quan tâm tới các “vòng tròn tiên” trong một cuộc viễn du tới khu bảo tồn thiên nhiên NamibRand trong sa mạc Namib, tây nam Namibia năm 2005. Đây là lần đầu tiên ông Tschinkel được chứng kiến các điểm tròn trơ trụi kỳ lạ như vậy.

Chúng lên tới hàng chục ngàn điểm, làm phát lộ lớp đất cát màu đỏ trong vùng. Chỉ một thời gian ngắn sau khi các vòng tròn hình thành, những vành cỏ cao phát triển quanh đường viền, càng làm lộ rõ mảng đất trống.

Chẳng có mấy nhà nghiên cứu từng tìm hiểu về các “vòng tròn tiên”, một phần vì nơi tọa lạc xa xôi của chúng, cách ngôi làng gần nhất tới 180km. Đây cũng là vùng đất khô cằn, nơi bạn có thể nhìn thấy linh dương Nam Phi, đà điểu, báo và các động vật to lớn khác rong ruổi đây đó.

Mới liếc nhìn, ông Tschinkel từng kết luận rằng các vòng tròn đánh dấu những tổ mối ngầm dưới đất. Dẫu vậy, các cuộc đào bới không phát hiện dấu vết của tổ mối phía dưới các “vòng tròn tiên”. Tương tự, các cách giải thích khác, ví dụ như sự khác biệt về các chất dinh dưỡng đất hay các giống cây bị chết vì hơi độc bốc lên từ đất, cũng không thuyết phục.

Với sự hỗ trợ của các nhân viên khu bảo tồn thiên nhiên, những hình ảnh chụp qua vệ tinh và chụp từ trên không, ông Tschinkel đã khám phá được chút ít về vòng đời của các vòng tròn. Cụ thể là, bằng cách so sánh ảnh chụp vệ tinh từ 2004 – 2008, ông phát hiện các vòng tròn hoàn toàn ổn định, xuất hiện bất ngờ với kích cỡ tối đa hoặc phát triển nhanh tới kích cỡ tối đa ngay khi xuất hiện.

Cận cảnh một "vòng tròn tiên". Ảnh: Live Science.

Các vòng tròn nhỏ nhất có đường kính 2m, trong khi những vòng tròn lớn nhất có thể đạt tới 12m chiều ngang. Những cơn gió quét qua các vùng đất trơ trụi, biến chúng thành những chỗ lõm nhẹ. Cuối cùng, cây cối quay trở lại, tái chiếm các vòng tròn và để lại một số “vòng tròn ma” hơi lõm phía sau.

Giả thiết rằng số lượng tổng cộng của các “vòng tròn tiên” trong khu vực tương đối ổn định, ông Tschinkel đã sử dụng các ảnh vệ tinh để xem mức độ phát triển nhanh chóng của các vòng tròn từ khi bắt đầu xuất hiện tới lúc chín muồi và biến mất (mọc lại cây). Việc đó mang tới kết quả ước tính sơ bộ vòng đời của các vòng tròn. Hầu hết chúng tồn tại trong khoảng 30 – 60 năm.

Ông Tschinkel cũng xác định được rằng, các vòng tròn chỉ hình thành trên đất cát ít lẫn đá và rằng, chúng không hình thành trên các đụn cát di động hay vùng quạt bồi tích phù sa – nơi cát lắng đọng nhờ nước.

Một số thử nghiệm của ông Tschinkel vẫn đang tiếp tục, nhưng cho tới hiện tại, chúng đều không giúp làm rõ nguồn gốc của các vòng tròn. Chuyên gia này hiện còn nghi ngờ các “vòng tròn tiên” là sản phẩm của một dạng tự tổ chức tự nhiên nào đó của cây cối.

Với việc chẳng có mấy người quan tâm nghiên cứu và cũng không có tiền tài trợ cho những nghiên cứu chuyên sâu dài hơi, ông Tschinkel nhận định, các “vòng tròn tiên” sẽ vẫn là một câu hỏi hóc búa đối với chúng ta.

Tuấn Anh

Gửi tin nhắn cho người ngoài hành tinh

Cho tới nay, chưa có ai lí giải được tín hiệu “Wow!” khác thường nhận được từ không gian vào năm 1977. Suốt 35 năm qua, giới khoa học không hề phát hiện bất kỳ sự truyền tải thông điệp tương tự từ “những người bạn” ngoài hành tinh.

Xác định chính xác đường kính Mặt trời

Các nhà khoa học Đài thiên văn quốc gia Nhật Bản đã xác định được chính xác đường kính của Mặt trời là 1.292.020 km.

Tàu vũ trụ NASA sắp ra khỏi hệ Mặt trời

Tàu thăm dò Voyager 1 của NASA sắp trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên du hành vượt ra ngoài Thái Dương hệ sau 35 năm hoạt động trong không gian.