Thảm họa của sự biến đổi khí hậu toàn cầu đối với loài người rất to lớn. Nhiệm vụ của trên 190 chính phủ trên thế giới đang rất khó khăn và nặng nề khi Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu COP-21 ở Paris đang đến rất gần.


Trong bối cảnh đó, hầu hết các tôn giáo cũng đã lên tiếng phản ảnh mối lo lắng và sự quan tâm của cả loài người. Trên thế giới và cả ở Việt Nam cũng vậy.

Thảm họa của sự biến đổi khí hậu toàn cầu đối với loài người rất to lớn. Nhiệm vụ của trên 190 chính phủ trên thế giới đang rất khó khăn và nặng nề khi Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu COP-21 ở Paris đang đến rất gần.

Trong bối cảnh đó, hầu hết các tôn giáo cũng đã lên tiếng phản ảnh mối lo lắng và sự quan tâm của cả loài người. Trên thế giới và cả ở Việt Nam cũng vậy.

Ở Việt Nam

Vừa mới đây, sáng 10/9/2015, tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cùng đại diện tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam) đã có các cuộc làm việc với các Văn phòng Thường trực phía Nam của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của các hệ phái Tin Lành thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam.

{keywords}

Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình làm việc với đại diện Hội thánh Tin Lành.

Trong cuộc gặp gỡ này, các tổ chức tôn giáo đã tham gia ý kiến góp ý cho bản Dự thảo “Chương trình phối hợp giữa Ban thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”.

Chiều hôm sau, ngày 11/9/2015, tại Văn phòng Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, phái đoàn Uỷ ban TW MTTQVN cũng đã có chuyến thăm và làm việc với Ban Trị Sự  GHPGVN tỉnh về bản dự thảo nói trên.

Dẫn đầu phái đoàn có ông Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch UBTW MTTQVN; ông Trần Phùng - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh TT- Huế; ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng Ban Dân tộc Tôn giáo (thuộc UBTƯMTTQVN); ông Eivind Arche – Trưởng Đại diện Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV). Đón và làm việc phái đoàn có Hòa Thượng Thích Khế Chơn, Phó Trưởng Ban, nhiều vị Hòa thượng, Thượng Tọa và tăng ni trong Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh TT- Huế.

{keywords}

Hai phái đoàn chụp hình lưu niệm tại Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thanh đã trình bày về cấu trúc và dự kiến nội dung chính trong "Chương trình phối hợp hành động".

Tại cuộc gặp gỡ này, các vị khách từ Trung ương đã nhận được các ý kiến đóng góp, chia sẻ để bổ sung hoàn thiện dự thảo "Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu", trên cơ sở chương trình phối hợp này, các tôn giáo sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể hàng năm phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo.

Các cuộc gặp gỡ và làm việc trên đây là sự tiếp nối các hoạt động bắt đầu từ ngày 25/05/2015, khi Ban Tôn giáo UBTƯMTTQVN đã phối hợp với Tổ chức Bắc Âu Trợ giúp Việt Nam tổ chức một cuộc họp với đại diện lãnh đạo các tôn giáo ở Việt Nam nhằm đạt được sự thống nhất chung của lãnh đạo các tôn giáo trong quá trình chuẩn bị các nội dung liên quan, tiến tới tổ chức Hội nghị “Phát huy vai trò của các tôn giáo Việt Nam tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu” dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu năm 2016.

Trên thế giới

Thiên Chúa Giáo La Mã:

Hoạt động chống sự nóng lên toàn cầu nổi bật của Giáo hội Thiên Chúa Giáo là bản thông điệp mang tiêu đề “Laudato Si” của Giáo Hoàng Phanxicô giới thiệu với báo chí vào ngày 18/06/2015 tại Vatican. Lần đầu tiên Giáo Hoàng ra văn kiện riêng về vấn đề môi trường, trong đó đề cập đến tình trạng đáng báo động của môi trường sống trên hành tinh, đồng thời kêu gọi con người nêu cao trách nhiệm với môi trường sống của mình.

“Laudato Si” là một văn kiện rất cô đọng với sự phân chia mạch lạc. Phần đầu mang tính khái quát, đề cập đến hiện trạng đáng báo động của “ngôi nhà chung của chúng ta” (ngôn từ của Giáo Hoàng). Giáo Hoàng lần lượt liệt kê những vấn đề như biến đổi khí hậu, tiếp cận nguồn nước, sự mất dần của đa dạng sinh học và “món nợ sinh thái của các nước Bắc bán cầu với các nước Nam bán cầu” và gắn điều đó với nội dung kinh Thánh.

{keywords}

Giáo Hoàng Phanxico phát biểu tại một Hội nghị ở Giáo phận Roma, Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 14/6/2015.

Một điểm quan trọng trong thông điệp là nhận định căn nguyên khủng hoảng môi sinh chính ở con người. Đằng sau nhận định nói trên, Giáo Hoàng đưa ra khái niệm mới gọi là “sinh thái toàn vẹn” và nhấn mạnh: “Không có hai cuộc khủng hoảng riêng rẽ, của môi trường và của xã hội”. Giáo Hoàng cũng kêu gọi đối thoại từ cấp độ địa phương cho đến quốc tế về vấn đề môi sinh.

{keywords}

Hình bìa của Bản Thông điệp "Laudato Si" cuả Giáo Hoàng.

Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đã bày tỏ lập trường ủng hộ của họ đối với Thông điệp của Giáo Hoàng. Các nhà lãnh đạo Tin Lành, Do Thái giáo, Phật giáo và Hồi giáo đã tuyên bố là họ đứng về phía Giáo Hoàng trong những hành động mạnh mẽ để giải quyết Biến đổi khí hậu.

Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Anh Quốc:

Trong một bản tuyên bố ký hôm thứ Tư, Tổng giám mục Canterbury Justin Welby đã cảnh báo về các "thách thức lớn" do biến đổi khí hậu gây ra và hứa sẽ cầu nguyện cho sự thành công của Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris vào cuối năm nay.

Do thái giáo:

Sau Thông điệp Giáo Hoàng, 333 giáo sĩ Do Thái Giáo đã viết thư cho các giáo đoàn về vấn đề Biến đổi Khí hậu. Một trong những tác giả bức thư, giáo sĩ Rabbi Arthur Waskow, ngày 6/6/2015 đặt vấn đề “Chúng ta có thể ngăn chặn các thảm họa về khí hậu trên toàn thế giới không ?” và “Liệu chúng ta có thể biến khoa học và sự khôn ngoan cuả đạo đức để hướng tới việc hình thành một thế giới có sự chia sẻ, được phong phú và bền vững không?. Ông giải thích thêm: “Tôi có ý nói đây là một sinh thái xã hội công bằng (eco-social justice)"

Phật giáo Tây Tạng:

Vị lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, phát biểu rằng: tất cả mọi người nên phấn đấu cho một "sự thống nhất của nhân loại" về vấn đề “Biến đổi khí hậu” ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh.

Hồi giáo:

Trong một tuyên bố với TIME, thay mặt Hiệp hội Hồi giáo Bắc Mỹ, ông Imam Mohamed Magid nói rằng, nhân dịp tháng Ramadan, người Hồi giáo nên chú ý đến lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng: "Tất cả các giáo dân cuả tất cả các tôn giáo có thể đến với nhau vì việc quản lý Trái Đất là một niềm tin chung được mọi tôn giáo chia sẻ".

Lời kết

Biến đổi khí hậu hay sự ấm nóng địa cầu đang gây ra những tác hại to lớn đến đời sống của con người ở mọi quốc gia trên trái đất và thực sự trở thành mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại của nhân loại.

Vì vậy, chính phủ của tất cả các quốc gia đang lo lắng tìm giải pháp để đối phó và giải quyết, trước mắt phải xây dựng cho được những văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý ở Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu COP21 sắp tới vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2015 ở Paris.

Sự lên tiếng của tất cả các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác nhau hưởng ứng và ủng hộ các hoạt động nói trên thể hiện tâm tư nguyện vọng của các tín đồ là điều không có gì lạ và rất đáng hoan nghênh. Đó chính là tinh thần và hành động của nhân loại, của tất cả mọi quốc gia trên trái đất.

Minh Trần (Theo GHPGVNTW, daidoanket, Vatican News)