- Các kết quả khảo sát của các phòng thí nghiệm ở nhiều nước trên thế giới đã chứng tỏ một mối nguy hại bất ngờ: tro bụi thải loại từ than đá đốt cháy tích lũy một lượng đồng vị phóng xạ có hại cho sức khỏe con người.


Gần đây thôi, ở Hoa Kỳ mối nguy hiểm gây ra bởi chất phóng xạ trong các bãi chứa tro bụi của các nhà máy nhiệt điện cũng được tiếp tục khảo sát trong các phòng thí nghiệm. Và ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường nói chung của tro bụi hay xỉ than cũng đã từng khơi dậy những vụ phản ứng mạnh mẽ của dân chúng ở một số nước. Trong số đó, có Việt Nam, không lâu, tại nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 thuộc tỉnh Bình Thuận.

{keywords}

Bãi tro xỉ than ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 khi chưa che đậy. Ảnh: Nguồn VOV.

Hãng thông tin RFI vừa đưa tin: Theo một kết quả nghiên cứu của Mỹ được công bố mới đây, ngày 02/09/2015, xỉ tro than chứa hàm lượng chất phóng xạ cao đáng ngạc nhiên. Các kết quả nghiên cứu công bố trên “Công nghệ và Khoa học Môi trường” khẳng định: “Mức độ phóng xạ trong xỉ tro than cao gấp 5 lần so với đất bình thường, và gấp 10 lần so với than trước khi bị đốt. Hiện tượng trên là do quá trình đốt nóng khiến chất phóng xạ bị cô đọng lại”.

Mặc dù, từ lâu, các nhà phân tích đã xác định rằng, trong mọi loại đất đá trên bề mặt quả đất, các chất phóng xạ, ở múc độ thấp, chứa các đồng vị phóng xạ tự nhiên, chủ yếu là Uranium, Thorium, Radium, Chì, Polonium, Kalium. Hàm lượng các chất phóng xạ này trong đất đá, nói chung, rất thấp. Nhưng trong tro xỉ than đá bị đốt cháy, do quá trình tích tụ, hàm lượng phóng xạ tăng lên đáng kể như thống kê trong bảng số sau đây (Từ báo “Vật liệu xây dựng”, số 2/2007).

{keywords} 

{keywords}

Bãi tro xỉ than ở nhà máy Vĩnh Tân 2 đang được phủ bạt che đậy. Ảnh: Nguồn Báo Công Thương.

Điều đáng lo ngại là hiện nay, ở một số nơi, sau khi đã qua sử dụng, tro và bụi than thường được đổ vào các bể chứa gần các nhà máy nhiệt điện. Tác hại của việc này quá rõ ràng. Trước hết, bản thân tro bụi than trở thành một nguồn đáng kể gây hiệu ứng nhà kính góp phần đưa trái đất nóng lên gây hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhưng điều đáng nói hơn là: trong xỉ than, với độ ô nhiễm phóng xạ cao hơn nhiều so với bình thường, ảnh hưởng trực tiếp của các bức xạ phát ra gây tác hại đáng kể và lâu dài đến sức khỏe mọi người ở xung quanh. Đặc biệt, các chất phóng xạ còn  có thể gây nhiễm độc các nguồn nước ngầm rồi lan truyền ra xa.

Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện những khu tích trữ tro than “khủng”. Theo tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, hàng năm thải 375 triệu tấn tro than, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2002. Tiếp theo là Hoa Kỳ. Các nhà bảo vệ môi trường của Earth Justice cho biết, hàng năm nước này thải chừng 140 triệu tấn tro than.

Trong tình hình này, những quy định về việc tích trữ tro than là điều rất cần thiết, nhưng đến nay chưa có mấy nước thực hiện. Riêng ở Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ vừa mới xây dựng, đề xuất các quy định đó và có thể sẽ có hiệu lực từ tháng 10 năm nay.

Các quy định này chắc hẳn phải được áp dụng cho toàn thế giới vì than đá đang và sẽ còn là nguồn nhiên liệu chiếm vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp điện toàn cầu.

Cơ quan thông tin của Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE cho rằng: chỉ 2 hay 3 năm nữa thôi, than sẽ là nguồn năng lượng tiêu thụ hàng đầu thế giới. Cũng theo số liệu của AIE, than ngày nay chiếm 28% năng lượng của thế giới, trong lúc dầu hỏa chiếm 32%, nhưng than đã đứng đầu trong lãnh vực sản xuất điện. Và từ đây đến năm 2035, múc tiêu thụ than sẽ tăng thêm 17%.

Tổ chức World Energy Council (WEC) ước tính: trữ lượng than trên thế giới (xác nhận vào năm 2008) có thể cung cấp khoảng 120 năm nữa với mức khai thác hiện nay, trong khi với dầu hỏa chỉ được 40 năm và khí đốt, dài hơn, nhưng cũng chỉ 75 năm.

Như vậy, than đá còn đồng hành lâu với loài người, trên một thế kỷ. Và điều may  là các nước đã nhận thức được mối đe dọa của các chất phóng xạ và cũng dần dần tìm ra và hoàn chỉnh giải pháp. Vấn đề là phải có quy ước chung quốc tế và mỗi nước phải tuân thủ những quy tắc, giải pháp khống chế mối ô nhiễm phóng xạ từ tro xỉ than.

Theo La Croix, những nước sản xuất than đứng đầu thế giới - Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga hay Ấn Độ - ngày nay cũng là những nước tiêu thụ chính. Họ đã, đang và sẽ phải áp dụng những biện pháp giải quyết các vấn đề ô nhiễm.

Ngoài biện pháp giải quyết vấn đề bảo quản tro xỉ than sau khi đốt cháy, La Croix cũng nhìn thấy triễn vọng đáng chú ý khác, đó là nỗ lực cải thiện năng suất các trung tâm nhiệt điện mới chạy bằng than, như ở các trung tâm mà tập đoàn Pháp GDF Suez sắp khai trương ở Đức và Hà Lan. Theo đó, với cùng một tấn than thì có thể sản xuất số lượng điện cao gấp hai lần so với cách đây 40 năm, như thế cũng đồng nghĩa với việc khí thải giảm đi một nửa.

Rõ ràng, than đá với khả năng gây ô nhiễm bầu khí quyển bằng phát thải khí nhà kính và tác động đến sức khỏe con người bằng phóng xạ tích tụ trong tro xỉ than, rõ ràng, là loại nhiên liệu độc hại. Nhưng với sự dồi dào trữ lượng nguồn nhiên liệu cho nền công nghệ điện năng của nhiều quốc gia, nên bài toán đặt ra không phải là cấm hay không cấm nguồn nhiệt điện than đá mà chính là bài toán giảm phát thải khí nhà kính và xử lý đồng thời việc bảo quản tốt kho chứa khối xỉ tro bụi sau khi dùng.

Đây không chỉ là vấn đề của các nước, của thế giới. Đó là vấn đề của cả Việt Nam chúng ta. Không chỉ đang đặt ra cho nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2, mà còn cả cho Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và các nhà máy đang hoạt động và sắp xây dựng khác.

Trần Minh