20% trong tổng số gần 3.000 cơ sở bị thanh tra vi phạm về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với hàng đóng gói sẵn.

{keywords}
Một lon nước chan leo (phải) làm nhái, giống hệt chai nước thật. Ảnh: Vietnamplus.

Báo cáo của Bộ KHCN tại Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề năm 2015 cho biết trong tổng số 2.867 cơ sở bị thanh tra có tới 556 cơ sở bị xử phạt hành chính vì các vi phạm liên quan tới tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với hàng đóng gói sẵn. Tổng số tiền phạt là 1,7 tỉ đồng.

Hàng đóng gói sẵn là hàng hóa được định lượng, đóng gói mà không có sự chứng kiến của bên mua. Loại hàng này rất đa dạng, từ bánh, mứt, kẹo, đường sữa cho tới bột ngọt, gia vị, nước mắm, nước giải khát, xi măng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Theo thống kê của Bộ Công thương, 40% tổng số hàng hóa trên thị trường là hàng đóng gói sẵn.
Theo báo cáo, Kiên Giang là tỉnh có nhiều cơ sở vi phạm nhất với 37 trường hợp, tổng số tiền phạt là 58 triệu đồng. Nghệ An là địa phương tiếp theo với 33 cơ sở vị phạm với tổng số tiền phạt là 225,055 triệu đồng. TP. HCM cũng có 25 cơ sở vi phạm với số tiền phạt là 177 triệu đồng.

Rượu, bia, nước giải khát là nhóm hàng hóa có tỉ lệ vi phạm cao về đo lường, chất lượng, tỉ lệ 25%. Cá biệt có nơi như Nghệ An, xét nghiệm 37 mẫu nước đóng chai thì có tới 22 mẫu vi phạm về chất lượng.

Các nhóm hàng nông sản, sản phẩm từ nông sản, phân bón cũng có tỉ lệ vi phạm cao, lần lượt là 24-23%. Các nhóm hàng hóa khác đều trong khoảng 20%.

Bên cạnh đó, có tới 51% số trường hợp vi phạm trong đợt thanh tra lên quan tới đo lường. Đáng chú ý, số lượt vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng chỉ chiếm 7% với 51 lượt vi phạm.

Trước câu hỏi về số lượng vi phạm chất lượng sản phẩm chỉ 7% là quá “xa” so với thực tế chất lượng hàng hóa hiện nay, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ KHCN giải thích, con số 7% chỉ phản ánh số lượng vi phạm trên số cơ sở được lấy mẫu. Nếu như việc lấy mẫu rộng rãi hơn thì số liệu sẽ phản ánh đầy đủ hơn.

Ông Dũng cũng cho rằng, một trong những khó khăn của thanh kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa là vấn đề kinh phí để thực hiện việc lấy mẫu. Trong khi số lượng các mặt hàng rất nhiều và thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ ngành khác nhau.

Trong khi đó, ông Vũ Hồng Điệp, Tổng cục Đo lường Chất lượng, Bộ KHCN cho rằng, tỉ lệ 20% cơ sở vi phạm về đo lường, chất lượng là điều khó có thể chấp nhận với người tiêu dùng, dù đã giảm tới 5% so với đợt thanh tra 3 năm trước.

Ông Điệp kiến nghị đặt ra mục tiêu tới năm 2020, giảm tỉ lệ vi phạm xuống không quá 10% và nâng cao trách nhiệm kiểm tra thường xuyên của các UBND cấp huyện xã để giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất.

Sẽ công khai danh tính các cơ sở vi phạm

Trao đổi với VietNamNet về việc liệu có nên công khai danh tính các cơ sở vi phạm về đo lường, chất lượng sản phẩm để người dân biết hay không, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Việt Thanh khẳng định, cá nhân ông ủng hộ việc công khai này và sẽ kiến nghị để lãnh đạo Bộ KHCN xem xét công khai danh sách các cơ sở vị phạm.

Ông Thanh cũng cho rằng, hiện tại, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về chất lượng, đo lường hàng hóa là còn thấp và chưa đủ tính răn đe. “Sắp tới Luật Xử phạt vi phạm hành chính có thể phải sửa đổi để nâng chế tài lên”, Thứ trưởng Thanh nói.

Thứ trưởng Thanh cũng khẳng định, vấn đề chất lượng hàng hóa tác động rất lớn tới người tiêu dùng, liên quan tới sức khỏe, sinh mạng con người. “Như một đại biểu quốc hội có phát biểu: Đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế. Tuy nhiên, các chế tài của chúng ta thì vẫn chưa đủ mạnh”, ông Thanh nói.

Từ đó, ông Thanh khẳng định, sẽ kiến nghị rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng đến chất lượng và tiến tới xử lý hình sự các vi phạm này.

Lê Văn