- Phong trào chống hạt nhân cho rằng: “Nhật Bản phải trở thành quốc gia phi hạt nhân”, nhưng Thủ tướng Noda: Nếu…vậy, “thì đất nước và nền kinh tế sẽ hệ luỵ”. Và sẽ sớm chọn 1 trong 3 phương án.

Bản báo cáo thanh tra cuối cùng?

Một báo cáo đoàn các nhà điều tra do Chính phủ Nhật thành lập vừa công bố vào ngày Thứ Hai (23/7/2012) chứa đầy những lời chỉ trích mới mẻ nhằm vào đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân hứng chịu thảm hoạ gây ra bởi trận động đất và sóng thần khủng khiếp trong năm vừa qua.

Điện hạt nhân Nhật đang được đặt lên 'bàn cân'?

Theo bản báo cáo, các biện pháp được thực thi bởi Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy và Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản về chuẩn bị đối phó với các thiên tai là không đáp ứng đầy đủ.

Nhà máy Fukushima Daiichi bị tê liệt làm thoát phóng xạ và làm hàng chục hàng ngàn cư dân khu vực xung quanh phải di dời từ trong một tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

CNN cho rằng bản báo cáo này, có thể là bản cuối cùng, mang tính chỉ trích nhằm vào Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) liên quan qua cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ Fukushima.

Tập đoàn TEPCO chịu trận

Cũng theo báo cáo của đoàn điều tra gồm 10 thành viên, dẫn đầu bởi Giáo sư Công nghệ của Trường Đại học Tokyo Yotaro Hatamura, ngay cả bây giờ, tức hơn một năm sau khi thảm họa xảy ra, hình như TEPCO chưa đủ tích cực trong việc xem xét nguyên nhân của sự cố ở nhà máy để ngăn ngừa tái phát.

Là bản thứ tư và là cuối cùng về thảm họa hạt nhân, báo cáo lần này xuất hiện giữa lúc cuộc biểu tình chống hạt nhân tại Nhật Bản dâng cao. Bản báo cáo cho rằng, sự can thiệp của Thủ tướng hồi đó, ông Naoto Kan, gây ra sự chồng chéo trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng.

Kết quả điều tra nói trên là  tiếp nối bản báo cáo của Hạ viện hồi đầu tháng đã chỉ trích cuộc khủng hoảng là một "thảm họa do con người" kết quả của và sự thông đồng giữa TEPCO, Cơ quan pháp quy hạt nhân và Chính phủ. Báo cáo đó còn cho rằng thảm hoạ đáng lẽ phải được tiên liệu và sẵn sàng ứng phó.

Một báo cáo khác hồi Tháng Hai tiến hành bởi các học giả và nhà báo độc lập cũng đã kết luận rằng bộ phận điều hành nhà máy đáng lý có thể và phải làm được nhiều hơn.

Chỉ riêng báo cáo nội bộ của của bản thân TEPCO vào Tháng Năm nói rằng, không ai có thể dự đoán quy mô của trận động đất hoặc sóng thần tàn phá tiếp theo. Tuy nhiên, họ phải thừa nhận đã không chuẩn bị đầy đủ và ghi nhận những lời chỉ trích vì đã ém nhẹm thông tin quá lâu.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết đã  xem xét một báo cáo về việc các công nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima được lệnh dùng lá chì che chắn liều kế cá nhân nhằm dấu mức liều vượt quá mức an toàn.

ĐHN Nhật giữa ngã ba đường

Chính phủ đang tiến hành thu thập ý kiến toàn quốc để đánh giá ý kiến công chúng về ba phương án cho một kế hoạch năng lượng trung hạn.

Dự kiến sẽ có một quyết định vào tháng tới: giảm năng lượng hạt nhân  quốc gia xuống con số  không càng sớm càng tốt (1), duy trì vai trò hạt nhân ở mức 15% cho đến năm 2030 (2) hoặc mức 20-25% trong thời gian như vậy (3).

Cho dù phương án nào được tuyển chọn, nó cũng cách xa với chính sách năng lượng đã đưa ra năm 2010, theo đó sự đóng góp năng lượng hạt nhân sẽ đạt đến 50% nhu cầu quốc gia vào năm 2030.

Phong trào chống hạt nhân cũng đưa ra quan điểm rõ ràng: Nhật Bản phải trở thành quốc gia phi hạt nhân. Hàng chục ngàn người đang tập trung bên ngoài tư dinh của Thủ tướng Thứ Sáu hàng tuần đòi hỏi như vậy.

Thủ tướng Chính phủ Yoshihiko Noda nghe tiếng nói đó, nhưng vẫn kiên định quan điểm của chính phủ Nhật. Và ông đã cho tái khởi động của hai nhà máy điện hạt nhân đầu tháng trước và đầu tháng này, đồng thới giải thích rằng, không có điện hạt nhân thì đất nước và nền kinh tế sẽ hệ luỵ.

Tháng trước ông Yoshihiko Noda đã nói:"Xã hội Nhật Bản sẽ không thể hoạt động nếu có quyết định ngừng phát điện hạt nhân vĩnh viễn".

Hoàng Hà