Cho tới thời điểm này, Trung Quốc là nước duy nhất dự định sẽ xây dựng trạm không gian một mình, cũng như có kế hoạch rõ ràng về việc đưa người lên mặt trăng.

TIN LIÊN QUAN

Việc Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ không người lái Thiên cung 1 tối 29/9 được coi là một hoạt động "công nghệ cao" nhằm kỷ niệm Quốc khánh nước này vào ngày 1/10. Nó cũng phô diễn sức mạnh không gian ngày càng lớn của Trung Quốc, giữa thời điểm mà hạn chế về ngân sách và những thay đổi trong thứ tự ưu tiên đã khiến cả Mỹ lẫn Nga trì hoãn các kế hoạch phóng tàu không gian.

Tuy nhiên, bài kiểm tra lớn của Thiên cung 1 không phải là cất cánh thành công, mà sẽ diễn ra vài tuần sau khi chiếc tàu 8 tấn này tìm cách tiếp nhập với tàu vũ trụ không người lái Thần châu 8. Việc kết nối thành công giữa hai con tàu sẽ giúp Trung Quốc tích lũy kinh nghiệm để xây dựng một trạm không gian có các phi hành gia sinh sống giống như ISS vào năm 2020.

Không chỉ chính phủ tràn đầy hy vọng với sự kiện phóng tàu Thiên cung 1 mà các mạng xã hội nước này cũng xôn xao bình luận về con tàu này. Đa số ý kiến đều cho rằng đây là một bước tiến vượt bậc của công nghệ không gian Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến thắc mắc vì sao những sự cố gần đây về kỹ thuật của Trung Quốc lại nhanh chóng bị "chìm xuồng", chẳng hạn như tai nạn hai tàu điện ngầm đâm nhau tại Thượng Hải ngay hồi đầu tuần khiến 40 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương.

"Tôi muốn sự chú ý của dư luận sẽ hướng đến vụ tai nạn ở Thượng Hải nhiều hơn. Đúng là sự kiện Thiên cung có liên quan đến thể diện quốc gia, nhưng sự kiện trước mới trực tiếp can hệ đến sinh mạng của chúng ta", một thành viên trên mạng xã hội Weibo bày tỏ.

Trên thực tế, thời điểm phóng tàu Thiên cung 1 cũng đã bị hoãn lại 1 năm vì lý do kỹ thuật, sau đó lại bị lùi tiếp lần nữa khi tên lửa đẩy Trường Chinh 2C (với thiết kế tương tự như Trường Chinh 2F) bị hỏng chỉ ít phút sau khi phóng và không thể bay lên quỹ đạo hồi tháng 8. Bắc Kinh cho biết họ đã điều tra vụ việc và khắc phục được nguyên nhân khiến Trường Chinh 2C thất bại.

Chính vì thế, việc Thiên cung được phóng thành công được Bắc Kinh đánh giá là một cột mốc lịch sử và được báo chí nước này đăng tải, bình luận rầm rộ.

Chạy đua trong không gian

Đầu tháng 9 vừa qua, NASA đã công bố kế hoạch xây dựng một tên lửa đẩy siêu xa, có thể đưa các phi hành gia lên mặt trăng và thậm chí là Sao Hỏa. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi một cuộc viễn chinh lên mặt trăng vào năm 2025 và Sao Hỏa vào thập niên 2030. Về phần mình, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ quỹ đạo mặt trăng thứ hai hồi năm ngoái, sau khi trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, ngoài Mỹ và Nga, đưa được phi hành gia lên không gian.

Nước này dự định sẽ đáp được tàu vũ trụ không người lái lên mặt trăng trong năm 2012 và lấy được mẫu đất cũng như đá trên mặt trăng mang về trái đất vào năm 2017. Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã đề cập đến khả năng gửi người lên mặt trăng sau năm 2020.

Trung Quốc cũng đang hợp tác với hai nước láng giềng Nhật Bản và Ấn độ để gia tưng sức mạnh không gian, tuy nhiên các kế hoạch tham vọng và quyết liệt của họ đã vấp phải sự quan ngại từ phía quốc tế. Bắc Kinh tuyên bố mục tiêu của họ là hòa bình và sự liên quan của quân đội với các sứ mệnh không gian chỉ là "một hoạt động tự nhiên, đã có thông lệ quốc tế".

Khoảng cách 40 năm

Bình luận về sự kiến phóng tàu Thiên cung 1 thành công, Tân hoa xã gọi đây là "đỉnh điểm" của một thập kỷ nghiên cứu không gian tốc độ cao của các nhà khoa học Trung Quốc. Ý nghĩa của nó không kém gì so với việc phi hành gia Trung Quốc đầu tiên bay lên quỹ đạo Trái đất vào năm 2003.

Tuy nhiên, theo bình luận của BBC, những thành tựu của Trung Quốc tuy ấn tượng nhưng rõ ràng nước này vẫn đi sau Nga và Mỹ hàng thập kỷ về công nghệ không gian. 

Nga đã đưa được nhà du hành vũ trụ đầu tiên lên quỹ đạo vào năm 1961 và phóng trạm không gian đầu tiên năm 1971. Mỹ đạt được 2 cột mốc này vào năm 1962 và 1973. Còn với trọng lượng hơn 8 tấn, Thiên cung 1 còn nhỏ hơn trạm Skylab của Mỹ phóng năm 1973.

Nhưng nếu chỉ chăm chăm để ý đến khoảng cách 40 năm đó sẽ khiến người ta bỏ quên mục đích thực sự của các chương trình không gian mà Trung Quốc theo đuổi, cũng như về sự kiên định của Chính phủ nước này về việc trở thành một cường quốc mới về không gian. Theo giới quan sát, đây còn là đầu mối để suy nghĩ về chính sách ngoại giao và logic chiến lược dài hạn của phía Trung Quốc.

Lợi thế đi sau?

Cho tới thời điểm này, Trung Quốc là nước duy nhất dự định sẽ xây dựng trạm không gian một mình, cũng như có kế hoạch rõ ràng về việc đưa người lên mặt trăng. Trong khi đó, cả Nga, Mỹ, Nhật, Canada và châu Âu đều đang hợp tác khai thác trạm ISS, một phần là vì muốn chia sẻ chi phí. Trung Quốc đã nhiều lần nộp đơn xin tham gia ISS nhưng đều bị Mỹ bỏ phiếu chống, và vì thế, quyết tâm xây dựng trạm không gian riêng của Trung Quốc lại càng mạnh mẽ.

Có thể nói, tình thế của Trung Quốc lúc này hoàn toàn giống với nước Mỹ những năm 60, khi các chương trình không gian giữ vai trò trung tâm trong việc đạt được các mục tiêu chính trị và công nghệ quốc gia. Người Trung Quốc muốn những thành công vang dội về chinh phục vũ trụ để phản ánh tham vọng của chính họ, hơn là muốn được chia sẻ với các quốc gia khác. Và quyết định của Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái về việc hoãn đưa người lên mặt trăng cũng khiến Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất lúc này còn theo đuổi mục tiêu đó trong trung hạn (trước năm 2020).

Và bất chấp việc Mỹ luôn hạn chế chuyển giao công nghệ không gian cho Trung Quốc, thì những dự án hợp tác giữa Bắc Kinh với Nga và châu Âu lại đơm hoa kết trái. Tàu Thiên cung 1 có kết cấu gần như giống hệt với tàu không gian Soyuz của Nga.

Dù đi sau và dự định phóng ít tàu hơn so với Mỹ hồi những năm 60 với chương trình Gemini, nhưng các chương trình của Bắc Kinh lại có tiến độ nhanh hơn, bà Joan Johnson- Freese, chuyên gia không gia của Đại học Hải quân Mỹ bình luận trên AP. 

"Trung Quốc có lợi thế của 40 năm sau: họ không phải bắt đầu từ con số 0", bà Johnson - Freese cho biết.

Trọng Cầm