- Hàng năm tại Việt Nam có hơn 4.000 người chết sớm liên quan tới nhiệt điệt than. Nếu các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch được đưa vào vận hành, con số này sẽ sẽ tăng lên đến 25.000 người, theo các chuyên gia.

Ngày 29/9/2015 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo sôi nổi về một vấn đề liên quan đến sức khỏe và môi trường được nhiều người quan tâm, đặc biệt dân chúng ở gần các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá nằm rải rác nhiều nơi trên đất nước ta, từ bắc vào Nam, từ biển lên núi.

{keywords}

Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2.

Cuộc Hội thảo được tổ chức bởi “Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)” đại diện cho “Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)”. Một số nhà khoa học quan tâm cùng đông đảo nhà báo đến tham dự.

Nội dung được các diễn giả trình bày và các khán thính giả tham gia tranh luận hoặc bổ sung khá phong phú và sôi nổi.

Chủ đề đầu tiên - “Sự thật về than” - đề cập đến các tác động tiêu cực của than đến sức khỏe và môi trường. Ở đây, các cuộc thảo luận xoáy quanh những mối nguy do than đá và tro bụi của nó gây ra cho bầu không khí hay cho nguồn nước ăn uống và sử dụng của con người.

Đặc biệt, các hậu quả nặng nề của các nguồn nước do các ngành công nghiệp nhiệt điện than gây ra đã được nhấn mạnh bởi những phụ đề như: “Bao nhiêu nước cũng là không đủ” hay “Than làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn nước như thế nào?”.

Vai trò tổ chức, chủ trì hay tham gia thuyết trình trực tiếp từng vấn đề của những người phụ trách “Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)” hay các nhóm nghiên cứu được mời.

Về chủ đề lớn “Sự phát triển của ngành Than và Nhiệt điện than ở Việt Nam”, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đánh giá rằng, ngành điện lực Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể đối với nền kinh tế với 19 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Và theo sơ đồ điện VII, dự kiến khoảng 50 nhà máy than nhiệt điện sẽ được xây dựng thêm. Tiếp theo, bà Khanh đưa ra một số cảnh báo đáng lưu ý. Chẳng hạn về việc phải nhập khẩu than, chủ yếu từ Trung quốc, kèm theo công nghệ lạc hậu cùng các hệ lụy có thể kèm theo… Hoặc về việc chi phí đáng kể cho các khoản chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước, chi phí y tế….

Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Harvard trình bày đề tài “Nghiên cứu về các gánh nặng về bệnh tật do tăng phát thải từ than trong khu vực Đông Nam Á”. Hoặc đề tài “Các tác động của than tới môi trường và sức khỏe, kinh nghiệm từ Mỹ, Trung Quốc và Indonesia” thực hiện bởi ông Lauri Myllyvirta, bà Donna Lisenby và ông Arif Fiyanto.

Ông Lauri Myllyvirta đã đưa ra những con số dẫn chứng về tác hại của nhiệt điện than đối với sức khỏe con người, chẳng hạn: năm 2010, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than lên tới con số 1.230.000 người ở Trung Quốc, 240.000 người ở Châu Âu… và Việt Nam là 31.000 người. Riêng đối với Việt Nam, ông Lauri Myllyvirta cho hay, ô nhiễm không khí chính là lý do tăng nguy cơ tử vong. Người dân chịu gánh nặng bệnh đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, ung thư gan, ung thư phổi, xơ gan, ung thư dạ dày. Đặc biệt, số lượng trẻ em bị viêm đường hô hấp do sự phơi nhiễm bụi than loại PM2.5 ngày càng tăng lên do nhiệt điện than gây ra.

Liên quan với Việt Nam, ông Lauri Myllyvirta và nhóm nghiên cứu từ Đại học Havard cho rằng, nguồn không khí khu vực miền Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh hiện đang trong diện cạnh báo đỏ về sự ô nhiễm. Và họ đưa ra khuyến nghị với các cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư: trong khi quy hoạch các nhà máy điện, các ngành công nghiệp và giao thông vận tải… cần xem xét đến những vấn đề liên quan chất lượng không khí, sự tác động sức khỏe con người.

Ở cuộc hội thảo diễn ra trong ngày 29/9/2015, ngoài các bài thuyết trình mang tính hệ thống và tính thời sự, cũng đáng chú ý đến cả các lời bàn luận với nhiều ý kiến bổ ích, mới mẻ của những thành viên tham gia hội thảo. Chẳng hạn, mối nguy hại của loại bụi siêu mịn hay “siêu bụi” với các bệnh liên quan tim phổi con người, hoặc mối đe dọa của ô nhiễm phóng xạ sinh ra trong các đống “khổng lồ” bụi xỉ than thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than.

Cuộc hội thảo “Than và nhiệt điện than: những điều chưa biết” diễn ra sau những sự cố xảy ra chưa lâu, khá ồn ào và gây chấn động mạnh trong dân chúng và cả trên công luận ở nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 thuộc tỉnh Bình Thuận.

Hy vọng, các bài học sống ở Vĩnh Tân 2 cùng với các ý kiến phong phú, sôi nổi và đa chiều của công luận mấy tháng nay, những ý kiến đóng góp khiêm tốn trong cuộc hội thảo ngày 29/9/2015 vừa diễn ra, tất cả sẽ bổ ích cho công việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới Vĩnh Tân 1, 2 và 4 sắp tới. Và cả đối với việc hoạch định xây dựng các nhà máy nhiệt điện than khác trong cả nước.

Trần Minh