Thông tin về các sự cố hạt nhân tại Nhật đã khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt là khi những tin đồn về “mưa axit” hay “mây phóng xạ” lan tràn trên các trang mạng. Tuy nhiên, Bộ KH&CN khẳng định, đây đều là những tin đồn thất thiệt.


TIN BÀI LIÊN QUAN


Trận động đất 9 độ Richter ở Nhật Bản không chỉ là “một tai nạn nhân đôi” (vì kèm theo sóng thần) mà còn là một “tai nạn nhân ba” (vì từ đó gây ra 3 vụ nổ Nhà máy điện nguyên tử Fukushima I trong 4 ngày liên tiếp và một vụ cháy nhưng đã dập tắt kịp thời).

Sự kiện này làm mọi người lo lắng vì nước ta không xa nước Nhật và nhà nước lại đang có chủ trương xây dựng nhà máy điện nguyên tử, trong đó nhà máy thứ hai đã có văn bản hợp tác với Nhật Bản.

Phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức vào sáng nay (16/3), tiến sĩ Đặng Thanh Lương - Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, nỗi lo ấy là chính đáng, song bên cạnh những thông tin chính thống, còn có những thông tin sai lệch gây hoang mang.


“Mưa axit”, “mây phóng xạ” là tin đồn thất thiệt

Trong hai ngày trở lại đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội có nhiều thông tin cho rằng sự cố nổ của nhà máy điện hạt nhân tại Nhật đã gây ra những trận mưa axit tác động nghiêm trọng đến môi trường. Tuy nhiên, đó là một sự nhầm lẫn.


Nói các nhà máy điện (nói chung) phải chịu trách nhiệm về mưa axit là thiếu chính xác. Điện hạt nhân, cùng với điện gió, điện mặt trời và thuỷ điện là những nguồn năng lượng sạch (về phương diện ô nhiễm hoá chất), mà chỉ nhiệt điện (dùng than, dầu mỏ và khí thiên nhiên, lẫn những tạp chất của lưu huỳnh và nitơ, khi xử lý khói thải không triệt để) mới gây ra những trận mưa “chua loét” gây phương hại tới môi trường, động thực vật và các công trình xây dựng, giao thông. Có thể nói, điện hạt nhân hoàn toàn vô can.



Việc kiểm tra chất phóng xạ đối với người dân được thực hiện một cách nghiêm ngặt


Về việc không khí nhiễm phóng xạ do những đám mây mang lại thì những ngày qua, ngành khí tượng thuỷ văn cho biết gió từ nơi xảy ra động đất đi theo hướng đông bắc ra biển trong khi về vị trí địa lý so với Nhật, chúng ta ở phía tây nam, khối không khí dù nhiễm xạ cũng ngược gió không thể bay sang Việt Nam.


Đó là chưa kể, sự nhiễm xạ ngay tại nơi xảy ra tai nạn không cao, ở mức độ “kiểm soát được” và Nhật Bản coi là mới ở mức cảnh báo chưa cần xử lý về môi trường.


Mặt khác, khi lan truyền qua một khoảng cách xa xôi, từ Nhật Bản đến Việt Nam - giả sử đúng chiều gió đi chăng nữa – thì nồng độ chất phóng xạ cũng bị khuếch tán, sẽ giảm đi rất nhiều đến mức khó phát hiện.


Thực tế cho thấy các trạm quan trắc phóng xạ ở Hà Nội và Đà Lạt liện tục đo đạc mức ô nhiễm phóng xạ trong mấy ngày qua, đã  hoàn toàn không thấy có một dấu hiệu bất thường nào về nồng độ chất phóng xạ. Do vậy, có thể nói Việt Nam chưa có bất cứ ảnh hưởng nào bởi sự cố tại Nhật Bản. Như vậy, nhiều tin đồn là thiếu căn cứ, gây hoang mang cho dân chúng.


Rút kinh nghiệm từ sự cố ở Nhật


Sự cố hạt nhân tại Nhật cũng buộc chúng ta phải rút kinh nghiệm trong việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân của chính mình.


Trước hết, an toàn hạt nhân phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Nhà máy Fukushima I của Nhật thuộc thế hệ cũ, vấn đề an toàn phụ thuộc sự can thiệp của con người và nguồn điện. Đó là một hạn chế trong việc khống chế tai nạn.


Trong dự án xây dựng của ta phải đi vào công nghệ tiến tiến hơn về mọi mặt, trong đó phải có khả năng loại bỏ mọi nguy cơ do sự can thiệp không kịp thời nhờ hệ thống an toàn thụ động. Sự cố có thể xảy ra kể cả khi lò không hoạt động (các lò 4, 5, 6 của Nhà máy đang ở giai đoạn sửa chữa định kỳ), nhưng lò số 4 vẫn bị cháy là điều những người vận hành đã thiếu quan tâm. Phải chú ý đến cả điều này.


Tiếp đó, phải đánh giá lại điều kiện địa chất thuỷ văn khi xây dựng. Nhật Bản là nước nhiều kinh nghiệm nhất thế giới chống động đất và sóng thần, song vẫn thiếu chú ý đến thực tế.


Họ tính toán trên cơ sở địa điểm xây dựng có mức động đất là 7,3 độ Richter, nhưng sự cố vừa qua lại là một thiên tại kép, trong đó động đất lên tới 9 độ Richter, mạnh nhất trong 100 năm qua.


Việc bảo đảm hệ số an toàn dù tốn kém nhưng không bao giờ thừa. Chúng ta sẽ cân nhắc thêm một địa diểm khác nữa ở Phước Dinh, Thuận Hải, để tìm phương án tối ưu.


Thứ ba, sự cố hạt nhân của Nhật sở dĩ giảm được tổn thất đến mức thấp nhất, được khống chế ở mức 4 (tai nạn với hậu quả cục bộ) không chỉ về mặt kỹ thuật mà cả về mặt xã hội.


Chính phủ lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về an toàn hạt nhân và đích thân Thủ tướng, các quan chức chính phủ, các chuyên gia, các nhà khoa học đã kịp thời  có mặt để chỉ đạo việc khắc phục.

 

Hơn 170.000 người trong vùng nhiễm xạ đã được đưa đi sơ tán khỏi khu vực quanh nhà máy mà không gây ra một sự xáo trộn lớn nào. Điều đó chứng tỏ họ đã có diễn tập kỹ lưỡng và ứng phó với sự cố hạt nhận một cách bài bản dựa trên các pháp quy về an toàn hạt nhân.


Cuối cùng, chúng ta cần tăng cường hơn nữa hệ thống quan trắc, giám sát hàm lượng phóng xạ trong môi trường hiện quá yếu và thiếu, đặc biệt cần theo dõi cả tình hình sự cố của Trung Quốc hiện đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân không xa biên giới nước ta.


PV VietNamNet