- Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cho rằng việc ban hành một thông tư như Thông tư 20/2014 của Bộ KH&CN, quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là không cần thiết.

Các ý kiến được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến DN hoàn thiện dự thảo Thông tư 20/2014 của Bộ KH&CN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức ngày 18/3 tại HN.

Bất hợp lý

Hầu hết các ý kiến tại hội thảo cho rằng, hai điều kiện nhập khẩu máy móc, dây chuyền đã qua sử dụng trong dự thảo (lần thứ 3) Thông tư 20 mà Bộ KH&CN đưa ra là “thời gian sử dụng dưới 10 năm” và “chất lượng còn lại hơn 80%” là không hợp lý.

{keywords}
Các quy định tại Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng được cho là không hợp lý. 

Ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác Thượng mại và Đầu tư VBF cho rằng, không có cơ sở và tiêu chí rõ ràng để đưa ra con số 80%. “Các doanh nghiệp của chúng tôi cho rằng, đây là những con số được đưa ra một cách chủ quan và tùy ý”.

Theo ông Burke, mỗi quốc gia và nhà sản xuất áp dụng tiêu chuẩn chất lượng khác nhau nên máy móc nhập khẩu đã qua sử dụng chất lượng còn lại ít hơn 80% không hẳn sẽ kém chất lượng hơn máy móc mới.

Trong khi đó, nhiều đại biểu lại băn khoăn về việc làm thế nào để xác định được một máy móc hay dây chuyền còn chất lượng trên 80%.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, một cán bộ ngành hải quan hay thậm chí một chuyên gia giỏi cũng khó có thể xác định một dây chuyền hay thiết bị còn chất lượng bao nhiêu phần trăm.

Nếu như Microsoft chuyển nhà máy của Nokia vào Việt Nam thì ai sẽ là người kiểm tra nếu không phải là chính họ. Không có cơ quan nhà nước hay tổ chức giám định nào đủ năng lực để kiểm tra chất lượng các dây chuyền này”, ông Mại nêu ví dụ.

Về điều kiện “thời gian sử dụng dưới 10 năm”, ông Mại cho biết, vào năm 1993, khi Bộ KH&CN cấp phép cho nhà máy điện Hiệp Phước thì máy móc của nhà máy này vẫn còn nằm đắp chiếu tại Hồng Kông. Tuy nhiên, “tới nay, nhà máy điện Hiệp Phước vẫn chạy tốt và trong khoảng 25 năm nữa vẫn chạy tốt”, ông Mại nói.

Đồng tình với ông Nguyễn Mại, ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, ngành giấy có những dây chuyền sản xuất từ năm 1945, tới nay đã hơn 70 năm nhưng vẫn đảm bảo về kinh tế, đảm bảo điều kiện về môi trường và cũng không ảnh hưởng tới an toàn lao động.

Theo ông Bảo, trong ngành giấy, chu kỳ công nghệ từ 10-15 năm, máy móc được sản xuất năm 1945 nhưng qua từng thời kỳ đều nâng cấp, tân trang. Các dây chuyền thiết bị mang về đều tân trang để đảm bảo các quy định nhà nước về an toàn, môi trường.

"Chúng tôi chẳng dại gì nhập hàng trăm triệu đô về mà không sử dụng được", ông Bảo khẳng định.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc phân loại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh khi quy định về điều kiện nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng là thiếu logic và không bình đẳng.

Không cần thiết

Không chỉ nêu ra nhiều điểm thiếu hợp lý, khó áp dụng trong thực tế của dự thảo Thông tư 20/2014 của Bộ KH&CN, nhiều đại biểu tại hội thảo còn cho rằng, việc đưa ra một văn bản như Thông tư 20 hoàn toàn không cần thiết.

{keywords}
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. 

Từ trường hợp của Thái Lan, không kiểm soát khi nhập khẩu mà chỉ kiểm soát khi đã đưa vào sử dụng, ông Nguyễn Mại cho rằng đây là một kinh nghiệm hay và đáng học hỏi.

Chúng ta thử suy nghĩ xem việc không có quy định có biến Thái Lan thành một bãi rác công nghệ hay không? Trong khi chúng ta vẫn đang loay hoay với công nghiệp phụ trợ thì Thái Lan đã tiến xa lắm rồi”, ông Mại nói.

Từ đây, ông Mại cho rằng, không có Thông tư 20 cũng không sao cả. “Tôi kiến nghị Bộ KH&CN xem xét có cần thiết phải có thông tư này không trong khi các thông tư và luật khác điều chỉnh được việc nhập khẩu dây chuyền, máy móc thiết bị cũ”, ông Mại cho hay.

Đồng tình với ông Mại, Kawanabe Kenta, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, việc đưa một nội dung liên quan rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như Thông tư 20 là bất khả thi.

Theo ông Kenta, nếu như Việt Nam làm tốt các quy định về an toàn, chất lượng đã có thì có thể kiểm soát tốt máy móc đã qua sử dụng nhập khẩu về Việt Nam chứ không cần đợi thông tư 20. “Chính vì vậy, chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng, nếu được thì Việt Nam có thể bỏ qua thông tư 20”, ông Kenta nói

Trong khi đó, ông Lê Anh Ba, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho rằng, với những tiêu chí chủ quan và thiếu cụ thể như trong dự thảo Thông tư 20 sẽ làm phát sinh thủ tục phức tạp, mất thời gian vào công việc cũng như chi phí giám định.

Từ đây, ông Ba cho rằng, Thông tư 20 là không phù hợp với điều kiện thực tế và không cần thiết. “Hiện nay chúng ta cần có một văn bản hướng dẫn làm sao để có những rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp không nhập khẩu thiết bị và công nghệ lạc hậu chứ không cần ra một văn bản như Thông tư 20”, ông Ba nói.

Thông tư 20/2015-KHCN được ban hành 15/7/2014 và có hiệu lực từ 1/9/2014, quy định về quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Vào ngày 15/8 vừa qua, Nokia Việt Nam (nay là Microsoft Mobile Việt Nam) đã có công văn gửi Bộ KHCN và các bộ ngành liên quan kiến nghị được “miễn trừ” áp dụng Thông tư 20 đối với các dây chuyền sản xuất mà công ty này dự kiến chuyển về Việt Nam sau 1/9.

Sau đó, Hiệp hội DN Nhật Bản cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ KHCN đề nghị gia hạn hiệu lực thi hành Thông tư 20.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014 diễn ra ngày hôm nay, 28/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí tạm dừng thực hiện Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Sau đó, Bộ KH&CN đã tiến hành sửa đổi Thông tư cho phù hợp với điều kiện thực tế. Dự thảo của thông tư cũng được gửi lấy ý kiến của các bộ ngành và doanh nghiệp liên quan.

Lê Văn