Sau gần 2 năm di chuyển trên quỹ đạo phục vụ một sứ mệnh bí mật, máy bay không gian X-37B bí ẩn của Không quân Mỹ đã trở về Trái đất hồi cuối tuần trước. Sự trở về của chiếc máy bay tuyệt mật đã thu hút sự chú ý của đông đảo giới quan sát và truyền thông.


May bay không gian không người lái X-37B, hay còn được biệt đến với tên gọi "Phương tiện thử nghiệm quỹ đạo", đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Vandenberg ở California, Mỹ hôm 17/10. Đây là sứ mệnh thứ 3 trong hàng loạt chuyến bay mà Không quân Mỹ đã tiến hành, sử dụng 2 chiếc máy bay X-37B của họ.

Sứ mệnh vừa khép lại, mật danh OTV-3, là chuyến bay thứ ba đưa X-37B vào quỹ đạo và là sứ mệnh dài nhất của loại máy bay không gian này - 675 ngày. Hai sứ mệnh trước đây chỉ kéo dài lần lượt trong 225 ngày và 469 ngày.

"Tôi vô cùng tự hào vì đội của chúng tôi đã cùng nhau điều hành cuộc hạ cánh lần thứ ba này an toàn và thành công", đại tá Keith Balts, chỉ huy tại Vandenberg, nhấn mạnh trong một tuyên bố sau sự trở về của X-37B.

Tuy nhiên, việc máy bay không gian của Không quân Mỹ thực sự đã làm gì trong quỹ đạo, vẫn là một bí mật được giữ kín. Điều đó làm dấy lên vô số thuyết âm mưu về sứ mệnh của X-37B, tập trung vào 5 phỏng đoán sau:

Do thám

Mặc dù quân đội Mỹ có vô số vệ tinh do thám trong quỹ đạo, nhưng một số người nhận định, X-37B có một cơ cấu giám sát công nghệ cao, được thiết kế nhằm theo dõi những khu vực nhất định trên Trái đất. Chẳng hạn như, theo trang ExtremeTech.com, X-37B có thể mang theo một nguyên mẫu cơ cấu do thám Trung Đông và các vùng địa chính trị nhạy cảm khác. Về lợi thế của việc sử dụng một máy bay không gian để do thám thay vì một vệ tinh, máy bay không gian nhiều có khả năng di chuyển tới một vùng quan tâm nhanh hơn vệ tinh, mặc dù đòi hỏi nhiên liệu cho việc đó có thể cao đến mức khó khả thi.

Đánh bom không gian

Mặc dù một số người ủng hộ thuyết âm mưu đã đề cập tới sứ mệnh đánh bom hạt nhân của X-37B, nhưng các chuyên gia trang Popular Mechanics đã bác bỏ ý tưởng này. "Thay đổi quỹ đạo bay của một máy bay không gian đòi hỏi lực đẩy rất lớn. Vì vậy, sử dụng X-37B như máy bay ném bom sẽ đồng nghĩa phải thay đổi quỹ đạo, để nó bay phía trên các mục tiêu và việc đó có thể ngốn hết nguồn cung cấp năng lượng hạn hẹp của X-37B", trang Popular Mechanics dẫn lời giáo sư Mark Lewis thuộc Đại học Maryland, cựu chuyên gia của Không quân, giải thích.

Quấy nhiễu các vệ tinh khác

Một ý tưởng khác là, X-37B được sử dụng để ngăn cản các vệ tinh khác đang khiến chính phủ Mỹ lo sợ. Tuy nhiên, trừ phi máy bay này đang thực hiện hành động đó bằng cách nào đó từ xa, khả năng này rất khó xảy ra. Theo báo Daily Beast, điều này là vì, sẽ rất dễ phát hiện dạng hoạt động phá hoại như vậy nhằm ủng hộ chính phủ Mỹ, do các chính phủ cũng như những người nghiệp dư có thể dễ dàng lần ra dấu vết của X-37B.

Do thám trạm vũ trụ của Trung Quốc

Chỉ ngay trước khi X-37B được phóng vào không gian, hãng tin BBC và tạp chí Spacefllight đã cho xuất bản các bài báo nói, quỹ đạo của máy bay này đủ gần để theo dõi những gì đang diễn ra với trạm vũ trụ Thiên cung 1 của Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích không gian Jim Oberg quả quyết, điều này khó xảy ra. Ông nói: "Chúng ở trong các quỹ đạo bắt chéo đường xích đạo, cách nhau 90 độ. Chúng đi chéo nhau với tốc độ hàng ngàn mét mỗi giây. Bất cứ quan sát nào từ bên này tới bên kia là bất khả thi", ông Oberg nói.

Triển khai các vệ tinh do thám

Có lẽ, thay vì quấy nhiễu, phá hoại các vệ tinh khác, X-37B đã làm nhiệm vụ thả các vệ tinh của Mỹ. Ít nhất, sứ mệnh năm 2011 của máy bay không gian này đã nhiều lần đưa nó tới cùng khu vực phía trên Trái đất, tương tự như chuyển động của các vệ tinh, nên có lẽ nó xúc tiến các cuộc kiểm tra vào cùng một quỹ đạo. Trong một bài viết đăng tải trên tờ New York Times, nhiều người quan sát nghiệp dư theo dõi X-37B nói đã nhìn thấy nó bay qua cùng một khu vực trên Trái đất cứ 4 ngày một lần, rất giống hoạt động của một vệ tinh do thám.

Tuấn Anh (Theo Live Science)