- Chặng đầu tiên trên con đường Lima - Paris này đối với “con thuyền COP“ quả chưa được xuôi chèo mát mái, bị chao đảo bởi vài cơn “giông gió” đầu mùa.

Từ Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu COP-20 (vào cuối tháng 12/2014 ở thủ đô Lima, Peru) đến Hội nghị kế tiếp COP-21 (giữa tháng 12/2015 ở Paris, Pháp), tính chính xác về thời gian đúng là một phần tư con đường đã trôi qua.

{keywords}
Các tảng băng trôi khổng lồ đe dọa lưu thông trên biển và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển - Ảnh: Reuters

Nhân loại trên trái đất càng ngày càng hiểu sâu sắc hơn mối đe dọa hủy diệt loài người bởi sự biến đổi khí hậu gây nên do sự nóng lên của trái đất này. Hầu hết các quốc gia, kể cả phát triển hay đang phát triển, đều hiểu rõ lời cảnh báo của cộng đồng khoa học thế giới rằng, để tránh mối thảm họa trên cần phải hành động ngay, phải phấn đấu bằng mọi cách; trước hết giảm lượng phát thải khí nhà kính CO2 nhằm hạ và giữ cho nhiệt độ Trái đất từ nay đến năm 2100 chỉ tăng tối đa 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp; trong lúc hiện nay đã cao hơn 0,8 độ C (!).

Mục tiêu do các nhà khoa học tính toán kỹ càng và đề xuất trên đây đã được bàn bạc nhưng cho đến cuối tháng 12/2014 COP-20 chưa thống nhất được một hiệp định mới thay thế nghị định thư Kyoto có hiệu lực từ năm 2020 trở đi.

Đây chính là mục tiêu chủ yếu, gánh nặng quan trọng nhất mà Lima (Peru) chuyển cho Paris (Pháp), COP-20 trao lại cho COP-21 phải giải quyết tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về khí hậu tại Paris vào tháng 12/2015 này ở Paris, nước Pháp. Và phép thử là cuộc gặp gỡ Geneve vừa qua.

Gần 200 nước rời Geneve với 87 trang giấy

Bài toán khó được đặt ngay trên bàn của cuộc gặp gỡ đầu tiên vào đầu tháng 2/2015 tại Geneve (Thụy Sĩ) với sự tham gia của đại diện 195 nước. Dĩ nhiên, không thể hy vọng tất cả các nước ở cuộc gặp gỡ này có thể thống nhất ngay được một văn bản nhằm thay thế Nghị định thư Kyoto như đề cập trên đây.

Và thực tế, sau sáu ngày thương lượng căng thẳng, tại Geneve, tối ngày 13/02/2015, các đại diện của 195 nước chỉ thông qua được một văn bản 87 trang làm cơ sở cho các cuộc đàm phán kế tiếp chứ chưa phải một thỏa thuận cuối hoặc thậm chí “gần cuối”, tức một bản văn kiện có thể xem xét đưa ra thông qua ở Hội nghị Paris vào tháng 12/2015.

Tất nhiên, sau cuộc gặp gỡ Geneve nói trên, từ nay cho đến hội nghị Thượng đỉnh khí hậu Paris tháng 12/2015, còn 3 cuộc khác với cuộc trước mắt vào tháng 6 tới. Như vậy, “giông gió” còn rớt lại trên bàn của ba cuộc họp tới, tức trách nhiệm còn đặt ra cho 3 lần gặp gỡ này là phải thương thảo để đạt cho kỳ được những kết quả nếu không muốn xẩy ra “những bất ngờ tồi tệ” tại COP-21 như lời nói của vị đặc phái viên Pháp, người phụ trách chuẩn bị Thượng đỉnh Paris, Laurence Tubina.

Tình hình trên đây xuất phát từ những điểm bất đồng lớn là sự chia sẻ trách nhiệm đóng góp giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển cho rằng họ cũng có quyền phát triển và các nước giàu phải có “trách nhiệm lịch sử” đối với việc trái đất bị hâm nóng từ trước tới nay. Trong khi các nước giàu “phản pháo” bằng cách nhấn mạnh rằng: Trung Quốc hay Ấn Độ có “trách nhiệm” rất lớn về lượng khí thải toàn cầu bây giờ.

Sự bất đồng nói trên không chỉ thể hiện trong kết quả hội đàm Geneve nửa đầu tháng 3/2015 vừa mới đây mà thực sự đã chi phối tiến trình báo cáo với hạn chót vào ngày cuối tháng 3/2015 đã qua về những nỗ lực và mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cho giai đoạn sau 2020.

Chỉ 30 nước báo cáo chỉ tiêu phát thải CO2

Tại Hội nghị ở Lima, Peru, các nước đã cam kết, muộn nhất là vào ngày 31/03/2015, sẽ đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, một trong những thông số chủ yếu phục vụ việc soạn thảo bản thỏa thuận chống biến đổi khí hậu thay thế cho Nghị định thư Kyoto.

Trừ một ngoại lệ đối với các nước nghèo, đang phát triển là thời hạn thông báo mục tiêu được kéo dài cho đến tháng 06/2015.

Song, đối với các nước công nghiệp hóa, thời điểm hạn định “trả bài” - 31/03/2015 đã qua rồi, mà chỉ mới có 33 nước thực hiện cam kết này. Đó là Thụy Sĩ, Liên Hiệp Châu Âu, Na Uy… Còn Hoa Kỳ và Nga gửi thông báo vào ngày cuối.

Trong số 33 nước báo cáo sớm nhất, Liên Hiệp Châu Âu hiện phát thải 12% tổng lượng khí CO2 toàn cầu, là đối tác đầu tiên thông báo mục tiêu: vào năm 2030 sẽ giảm 40% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990.

Riêng nước Thụy Sĩ đang phấn đấu giảm 50% cũng vào năm 2030. Nga thông báo giảm từ 25 đến 30%, chủ yếu nhờ vào các nỗ lực quản lý rừng và thảm thực vật. Và Hoa Kỳ nhắc lại cam kết đưa ra hồi tháng 11/2014: giảm từ 26 đến 28% từ nay đến 2025, so với mức của năm 2005.

Điều không thể không chú ý là những nước gây ô nhiễm nặng nề như Trung Quốc (phát thải tới 25% tổng lượng khí CO2 toàn cầu), hoặc Nhật Bản, Brazil, Canada, Úc lại “quên” chưa gửi báo cáo.

Cần phải lưu ý đối với mọi quốc gia dù có lượng phát thải khí nhà kính cao hay thấp, rằng: theo số liệu của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (viết tắt là GIEC), lượng khí CO2 phát thải ra đã và đang không ngừng tăng. Để thực hiện mục tiêu kìm giữ nhiệt độ trên trái đất không tăng quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ, thì cần phải giảm từ 40 đến 70% lượng khí CO2 phát thải, từ nay đến 2050. Như vậy, mục tiêu mà các nước đề ra, cho đến nay, quá thấp, mới bằng 1/3 tổng lượng khí CO2 cần giảm.

Giới chuyên gia hy vọng là tại Hội nghị Bonn, được tổ chức từ ngày 01 đến 11/06/2015, các nước chậm báo cáo và các nước đang phát triển sẽ hoàn thành trách nhiệm báo cáo của mình và thông báo các nỗ lực và mục tiêu giảm phát thải khí CO2.

Và nhân dân các nước trên toàn cầu cũng hy vọng rằng, trên toàn bộ con đường Lima đến Paris, sau 1/4 chặng đường đầu tiên vừa đi qua, 2/4 chặng giữa đang đi sẽ tiến triển theo chiều hướng thuận lợi hơn, giảm bất đồng và tăng đồng thuận hơn.

Để ở Paris, cuối năm 2015 lịch sử này, thế giới chúng ta đạt được mục tiêu chung tối thượng là cứu lấy họa diệt chủng do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, do sự phát thải quá mức khí nhà kính CO2 do chính con người gây ra.

Trần Minh