- Tại lầu quan sát thành phố nằm trên tầng thượng của trụ sở chính quyền tỉnh Fukuoka, ông Hisashi Kage, thuộc Ban Xúc tiến Công nghiệp mới, tỉnh Fukuoka giới thiệu cho chúng tôi về các thị trấn đặc biệt ở tỉnh Fukuoka và Kitakyushu mà ông gọi là “thị trấn Hydro”.

{keywords}
Thị trấn Hydro lớn nhất thế giới ở Fukuoka. Ảnh: Fukuoka Pref.

Nếu bạn nghĩ rằng những thành phố sử dụng điện từ pin nhiên liệu với những chiếc xe không sử dụng xăng chỉ có trong những bộ phim điện ảnh khoa học viễn tưởng thì có thể bạn đã nhầm. Những thành phố như vậy đang tồn tại và hoạt động tại Fukuoka và Kitakyushu, miền nam nước Nhật.

Tại thị trấn Hydro ở Fukuoka, toàn bộ năng lượng cho hệ thống điện và nước nóng trong các hộ gia đình đều được cung cấp từ các hệ thống pin nhiên liệu Hydro. “Hiện đã có tổng cộng 150 hệ thống pin nhiên liệu như vậy được lắp đặt tại các hộ gia đình”, ông Kage cho hay.

Những chiếc xe hơi đầu tiên trên thế giới chạy bằng năng lượng Hydro cũng đã có mặt tại thị trấn Hydro của Fukuoka. Theo kế hoạch, tới trong 5 năm nữa, sẽ có 50 ngàn chiếc xe tương tự chạy trên khắp các đường phố Nhật Bản, ông Kage chia sẻ.

Nhờ hệ thống cung cấp điện và nước nóng bằng pin nhiên liệu, Fukuoka đã giảm 290 tấn khí thải CO2 trong vòng 5 năm. Một con số không lớn song đầy hứa hẹn về một thành phố “không khí thải” dựa trên nền tảng nguồn năng lượng pin nhiên liệu Hydro.

Tại Kitakyushu, một thị trấn Hydro theo mô hình tương tự cũng đã được xây dựng. 14 hệ thống cung cấp điện bằng pin nhiên liệu Hydro đã được lắp đặt tại tòa nhà công cộng. Xe ô tô, xe đạp điện và xe nâng hàng chạy bằng pin nhiên liệu đã được sử dụng tại thị trấn này.

Một đường ống dẫn dài 10km từ Fukuoka tới Kitakyushu đã được lắp đặt để đưa nhiên liệu Hydro từ nơi sản xuất tới các trạm nhiên liệu hydro phục vụ cư dân. “Đây cũng là nơi đầu tiên trên thế giới có một đường ống dẫn Hydro”, Kage cho hay. “Chúng tôi gọi đây là cao tốc-Hydro”.

Các “thị trấn Hydro” và “cao tốc Hydro” là hai thành phần chính của Dự án Hy-Life (Cuộc sống dựa trên nhiên liệu Hydro) của tỉnh Fukuoka bắt đầu từ Hội nghị Chiến lược Fukuoka về Năng lượng Hydro diễn ra năm 2004 nhằm thúc đẩy nghiên cứu công nghệ năng lượng hydro ứng dụng vào cuộc sống.

{keywords}
GS. TS. Karunazi Sasaki, Đại học Kuyshu giới thiệu về dự án Hydro ở Đại học Kyushu. Ảnh: Lê Văn.

Hội nghị Chiến lược Fukuoka về Năng lượng Hydro được tổ chức nhằm xây dựng Nhật Bản như một quốc gia tiên phong về năng lượng hydro. Đến tháng 2/2012, Hội nghị đã có tới 651 công ty và tổ chức trong và ngoài Nhật Bản tham gia với tư cách thành viên.

Theo kế hoạch Nhật Bản sẽ có khoảng 1.000 trạm nhiên liệu hydro và 50 ngàn chiếc xe chạy bằng nhiên liệu Hydro (FCVs) vào năm 2020. Tới năm 2030, sẽ có khoảng 5.000 ngàn trạm và khoảng 1 triệu chiếc xe nhiên liệu hydro chạy trên đường phố Nhật Bản.

Kể từ sau Nghị định thư Kyoto được ký kết vào năm 1997, Chính quyền Nhật Bản ngày càng chú trọng vào các nguồn năng lượng sạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần dẫn tới sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 3/2011, công nghệ pin nhiên liệu bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược năng lượng của Nhật Bản.

Theo GS. TS. Kazunari Sasaki, thuộc Đại học Kyushu, một trong những đơn vị nghiên cứu chính tham gia Dự án Hy-Life cho biết, trong chiến lược năng lượng của Nhật Bản công bố tháng 4/2014, năng lượng hạt nhân thay vì chiếm một ví trí quan trọng đã được đưa xuống vị trí “cơ bản”.

Thay vào đó, các nguồn năng lượng tái tạo và đặc biệt là năng lương Hydro được coi là nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai”, GS. Sasaki nói.

Theo GS Sasaki, hai khó khăn lớn nhất của công nghệ pin nhiên liệu hydro ở thời điểm hiện tại chính là giá thành công nghệ còn quá cao và việc lưu trữ, bảo quản cũng như vậy chuyển nhiên liệu hydro gặp rất nhiều khó khăn.

Giá thành một chiếc ô tô chạy bằng pin nhiên liệu hydro có giá lên tới 6-7 triệu Yen (hơn 1 tỷ đồng), đắt hơn khá nhiều so với các loại xe thông thường. Đó là chưa kể giá thành của nhiên liệu hydro cũng đắt hơn nhiều so với nhiên liệu truyền thống.

Trong kế hoạch, Nhật Bản đang nỗ lực để giảm giá thành của nhiên liệu hydro cũng như các loại xe chạy pin nhiên liệu xuống bằng hoặc thấp hơn nhiên liệu và phương tiện truyền thống bắt đầu từ năm 2020, GS. Sasaki khẳng định.

Tại Trung tâm Nghiên cứu và Thí nghiệm Năng lượng Hydro (HyTreC), chúng tôi được tận mục 3 chiếc xe chạy bằng nhiên liệu Hydro phiên bản thương mại. Đây là những chiếc xe đầu tiên chạy bằng Hydro bản thương mại trên thế giới.

HyTreC là trung tâm nghiên cứu cũng như hỗ trợ các công ty khởi nghiệp liên quan tới năng lượng hydro. Tại đây, các nhà khoa học cập nhật những kiến thức mới nhất về năng lượng hydro cũng như phát triển các sản phẩm đảm bảo an toàn cho quá trình bảo quản lưu trữ nhiên liệu hydro.

{keywords}
Chiếc xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro đầu tiên trên thế giới tại HyTreC. Ảnh: Lê Văn

Theo giới thiệu của nhân viên HyTreC, người lái chiếc xe chạy nhiên liệu hydro chở chúng tôi trên con đường vòng quanh khuôn viên trung tâm thì chiếc Mirai của hãng Toyota có thể chạy gần 500km mới phải nạp nhiên liệu một lần và mỗi lần nạp nhiên liệu chỉ mất tối đa 5 phút. “Tốc độ tối đa của chiếc xe khoảng hơn 160km/h”, cô nhân viên bổ sung thêm.

Từ bề ngoài cho tới nội thất bên trong, những chiếc ô tô chạy bằng nhiên liệu hydro không khác gì nhiều so với những chiếc xe thông thường. Điều khác biệt duy nhất là khi chạy, những chiếc xe này không thải ra khói. Sản phẩm duy nhất của quá trình chuyển hóa nhiên liệu hydro giúp chiếc xe hoạt động là nước.

Năng lượng hydro từ lâu đã được xác định là nguồn năng lượng an toàn, vô tận và là nguồn năng lượng của tương lai, thay thế cho năng lượng hóa thạch và nguồn năng lượng hạt nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, để đưa năng lượng hydro vào thực tiễn cuộc sống không chỉ là vấn đề rào cản công nghệ mà còn là sự thay đổi hoàn toàn hệ thống hạ tầng vốn đã tồn tại nhiều thế kỷ. Đó là con đường khó khăn và lâu dài. Tuy nhiên, nước Nhật và những "thị trấn Hydro" ở Fukuoka là những bước đi đầu tiên để loài người bước vào một kỷ nguyên Hydro trong tương lai.

Lê Văn