Trở ngại cuối cùng đối với việc tái khởi động 2 lò phản ứng hạt nhân ở Nhật đã được dỡ bỏ cuối tuần trước, khi các chính trị gia nước này chính thức cho phép nối lại hoạt động của nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, hơn 3 năm sau thảm họa Fukushima.


{keywords}

Ảnh chụp nhà máy điện hạt nhân Sendai ở tỉnh Kagoshima, tây nam Nhật Bản ngày 28/4/2014. Ảnh: Getty Images

Việc chính quyền và tỉnh trưởng Kagoshima bật đèn xanh cho việc tái khởi động 2 lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân Sendai, đã đánh dấu một thắng lợi cho chính phủ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, vốn đã đối mặt với nhiều sự phản đối công khai về kế hoạch này.

"Tôi muốn thông báo với Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp về sự thấu hiểu của tối đối với chính sách của chính phủ nhằm thúc đẩy việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân", tỉnh trưởng Yuichiro Ito phát biểu tại một cuộc họp báo. Quan chức này nói thêm rằng, trước khi ra quyết định, ông đã cân nhắc "mọi tình huống một cách toàn diện".

Sự phê chuẩn của chính quyền địa phương tiếp sau tuyên bố của Cơ quan điều phối hạt nhân Nhật (NRA) hồi tháng 9 rằng, 2 lò phản ứng tại nhà máy Sendai đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, được ban hành sau sự cố rò rỉ hạt nhân Fukushima năm 2011. Tuy nhiên, việc khôi phục hoạt động thực tế nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn tới năm sau, do các thủ tục kỹ thuật vẫn đang được tiến hành, bao gồm cả nhiều phê chuẩn hơn của NRA đối với công tác sửa chữa tại khu vực.

Toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân ở đất nước mặt trời mọc đã dần dần phải ngưng hoạt động sau khi thảm họa kép động đất - sóng thần hủy dẫn đến tình trạng tan chảy lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, làm khởi phát sự cố nguyên tử tồi tệ nhất trong một thế hệ. Hai lò phản ứng thuộc nhà máy Sendai từng được tái khởi động chớp nhoáng năm 2012, nhưng việc đình chỉ hoạt động của chúng hồi tháng 9 năm ngoái từng dự báo một nước Nhật hoàn toàn không hạt nhân.

Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Yoichi Miyazawa đã lên tiếng hoan nghênh động thái của chính quyền tỉnh Kagoshima. Mặc dù chính phủ của Thủ tướng Abe và phần lớn ngành công nghiệp năng lượng của đất nước mặt trời mọc rất muốn quay trở lại với thời kỳ điện nguyên tử (chủ yếu vì đồng Yên Nhật lao dốc đã đẩy chi phí cho nhiên liệu hóa thạch quy đổi ra đô la tăng vọt), nhưng trong dân chúng Nhật vẫn còn hoài nghi.

Các cộng đồng sống cận kề với các nhà máy điện hạt nhân, những đối tượng thường được hưởng trợ cấp của các công ty điện lực và phụ thuộc việc thuê mướn nhân công của các nhà máy điện, dễ thông cảm với việc tái khôi phục hoạt động của các lò phản ứng.

Tuy nhiên, vẫn có sự phản đối từ những người sống xa hơn, không được hưởng lợi trực tiếp nhưng tự xem mình là "đứng mũi chịu sào" nếu xảy ra sự cố khác, tương tự như thảm họa Fukushima. Một số người chỉ trích cũng cảnh báo, nhà máy hạt nhân Sendai có thể gặp nguy hiểm từ một núi lửa không xa.

Dẫu vậy, Thủ tướng Abe đã và đang nỗ lực hết sức để thuyết phục một bộ phận cử tri lo lắng rằng, với tư cách là nền kinh tế lớn thế 3 trên thế giới, Nhật cần phải quay trở lại với nguồn năng lượng hạt nhân, từng cung cấp hơn 1/4 nguồn năng lượng của nó.

Tuấn Anh (Theo Discovery)