Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới đã và đang sử dụng các nhà máy phát điện dùng nhiên liệu than. Mặc dù họ đều biết rằng, các nhà máy nhiệt điện này gây ô nhiễm bầu không khí trên Trái Đất và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mọi người đến mức nào.

Các nhà phân tích không ngoa rằng, các nhà máy nhiệt điện than gây ra những điều lo lắng lớn chẳng khác nào “những quả bom nổ chậm”.

Mối lo bảo quản tro xỉ

Sản phẩm gây chết người rõ rệt nhìn thấy đầu tiên, có thể gọi là “quả bom” đầu tiên chính là những đống tro xỉ thô đồ sộ tồn đọng hay những đám mây chứa tro tàn, bụi mịn hay “siêu mịn” bay vào khí quyển trong quá trình hoạt động của các nhà máy này. Sự cố vừa mới xảy ra gây xôn xao cả nước ở nhà máy Vĩnh Tân 2 (tỉnh Bình Thuận) vừa xây mới có thể xem như một ví dụ mới mẻ, sống động nhất.

{keywords}

Bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nguồn Báo Bình Thuận online

Ngay bản thân lượng tro vốn có trong than nhiên liệu ở nước ta, cụ thể loại than cung cấp cho ở nhà máy Vĩnh Tân 2, cũng quá nhiều so với than của nước ngoài. Ở Vĩnh Tân, có thể vì giá thành rẻ, người ta chọn than đốt có độ tro trung bình đến 37,5%. Trong lúc, thế giới hướng tới than sạch với độ tro thấp hơn 3%, tức có độ sạch cao gấp hơn 12 lần than ta đang dùng!

Lượng tro lớn có sẵn trong than nhiên liệu bổ sung thêm vào lượng lớn than chưa kịp cháy hoặc cháy chưa triệt để (than dư) có thể lên đến 20-30% làm cho bãi tro xỉ thải ra từ nhà máy quá “bẩn” hay quá nhiều “rác thải”.

Về nguyên tắc, tro xỉ có thể được sử dụng như là phụ gia sản xuất xi măng, sản xuất bê tông, gạch không nung và các loại vật liệu xây dựng khác. Tuy nhiên, cần phải qua công đoạn tuyển để tách lượng than này ra, như vậy lại cần phải đầu tư thêm dây chuyền công nghệ tuyển than từ tro xỉ.

Hiện nay, công nghệ tuyển than dư từ tro xỉ chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và do vậy việc tái sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Rõ ràng, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề môi trường từ việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Đó là phải quản lý các bãi chứa tro xỉ với diện tích trên 28.000 héc ta hay 280 ki lô mét vuông cho đến năm 2030 (giả sử chiều sâu bãi chứa là hai mét), phân bố dọc theo chiều dài đất nước qua các trung tâm điện lực lớn từ miền Bắc, miền Trung cho đến đồng bằng sông Cửu Long. Nghĩa là, nếu không có giải pháp tái sử dụng tro xỉ hợp lý từ các nhà máy nhiệt điện than, chúng ta cần tiêu tốn một diện tích tương đương 39% diện tích quốc đảo Singapore chỉ riêng cho việc tồn chứa tro xỉ cho đến năm 2030, và không loại trừ khả năng các bãi chứa xỉ này xung đột với nhu cầu sử dụng đất cho phát triển đô thị và canh tác nông nghiệp!

Vấn đề tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ra sự ồn ào vừa qua chỉ mới là việc phát tán bụi tro xỉ từ bãi chứa xỉ. Vấn đề khác lâu dài hơn, nghiêm trọng hơn cần phải tính đến, đó là giải pháp quản lý môi trường toàn diện và triệt để tại các bãi chứa tro xỉ.

{keywords}

Nhà máy Nhiệt điện than Vĩnh Tân 2. Ảnh: Nguồn evn.com.vn.

Mối lo tác hại của kim loại nặng

Theo các tác giả của bài báo đăng ngày 1/4/2014 trên tạp chí khoa học “Reviews in Environmental Science and Bio/Technology”, trong tro xỉ chứa một loạt kim loại nặng có hại như asen (As), chì (Pb), kẽm (Zn), nikel (Ni), đồng (Cu), mangan (Mn), cadmi (Cd), crom (Cr) và selen (Se). Trong đó, asen hay thạch tín là chất gây ung thư da, ung thư bàng quang và ung thư phổi, trong khi chì tác hại cho hệ thần kinh.

Các kim loại này có thể bị thẩm thấu ra môi trường, gây ô nhiễm các vùng đất, các nguồn nước mặt và nước ngầm lân cận, xâm nhập vào thức ăn và gây hậu quả nhiễm độc gen và tác động lên DNA, từ đó gây bệnh tật không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn di truyền đến thế hệ mai sau.

Như vậy, sự tồn tại lâu dài tại các bãi chứa với số lượng lớn các độc tố trong tro xỉ sẽ gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Ở đây, một vấn đề đáng chú ý nữa là việc thải tro xỉ dạng ướt mặc dù hạn chế được bụi nhưng lại gây tác động môi trường nghiêm trọng hơn việc thải tro xỉ dạng khô, do sự thẩm thấu của các thành phần kim loại nặng đã nói ở trên ra môi trường.

Mối lo những cơn mưa axit

Trong thành phần khí thải từ ống khói nhà máy nhiệt điện than, ngoài khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính mà chúng ta đã biết, còn tồn tại ít nhất hai loại khí gây mưa axit, đó là SO2 và NO2. Mặc dù các nhà máy nhiệt điện đều lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh và xử lý nitơ, nhưng dù công nghệ có hiện đại bao nhiêu, không có nghĩa là 100% các loại SO2 và NO2 được xử lý triệt để và các độc tố này vẫn được phát tán ra môi trường.

Đề tài “Đánh giá hiện trạng mưa axit ở Việt Nam” do Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường thực hiện năm 2014 cho thấy hiện nay, mưa axit chiếm tới 30-50% số lần mưa tại Việt Nam. Địa phương có tần suất mưa axit cao tới 50% là Việt Trì, nơi công nghiệp phát triển, tiếp đó là các tỉnh thành công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh... cũng có tần suất mưa axit đang tăng dần.

Mưa axit sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường đất và nước thông qua việc rửa trôi chất dinh dưỡng trên mặt đất và mang các kim loại nặng xuống các nguồn nước mặt: sông, suối, ao, hồ... Như trên đã đề cập, các kim loại nặng trong tro xỉ tại các bãi chứa sẽ bị thẩm thấu ra môi trường trong điều kiện axit, và chính mưa axit có đóng góp từ khí thải của các nhà máy nhiệt điện sẽ thúc đẩy quá trình này diễn biến nhanh hơn.

Cái khó bó cái khôn

Giới chuyên môn về công nghệ và môi trường, các nhà quản lý các cấp ở Trung ương và địa phương ở nước ta, dĩ nhiên, đã có những hiểu biết tối thiểu về mối tác hại đến môi trường sống gây ra bởi các nhà máy nhiệt điện than. Và các tác hại đầu tiên nhưng cũng không kém phần nghiêm trọng vừa mới xảy ra ở nhà máy Nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 đã cho thấy rõ những bài học sống động.

Nhưng chỉ hiểu biết thôi vẫn chưa đủ. Nhiều giải pháp đã được đúc kết ở các nước. Chọn loại than nhiên liệu đat độ sạch cao ư ?. Chọn được bãi chứa tro xỉ đủ rộng, đủ cao ráo và không phát tán bụi khí, hóa chất vào khí quyển và lan ra môi trường xung quanh ư ? v.v…. Tất cả đều biết cả. Vấn đề là bài toán kinh tế, cụ thể là làm thế nào để kìm được giá thành nhiệt điện than không bị nâng cao.

Nếu giá nhiệt điện than cao hơn giá của các loại điện năng mới, sạch hay hiện đại như nhiệt điện dầu khí đốt, điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân v.v… thì tốt nhất là thay thế các nhà máy nhiệt điện than bằng các loại các nhà máy sử dụng năng lượng mới nói trên. Nhưng trong thực tế không có chữ “nếu” đó ! Đặc biệt với các quốc gia đang phát triển, một cuộc cách mạng năng lượng triệt đễ như vậy không thể thực hiện trong thời gian ngắn, trước mắt.

Việt Nam hiện đang ở trong tình thế như vậy. Trong Quy hoạch điện VII (quyết định từ năm 2011) vẫn đề ra nhiệm vụ xây dựng những trung tâm nhiệt điện than lớn tại đồng bằng sông Cửu Long gồm Duyên Hải (Trà Vinh, tổng công suất 4.200 MW), Long Phú (Sóc Trăng, 4.400 MW), Sông Hậu (Hậu Giang, 5.200 MW), Kiên Lương (Kiên Giang, 4.400 MW) sẽ vận hành trước năm 2020 và tiếp đến năm 2030 là Long An (1.200 MW), An Giang (2.000 MW), Bạc Liêu (1.200 MW). Và tất nhiên cả cụm nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 1, 2, 3 và 4 ở tỉnh Bình Thuận.

Dĩ nhiên, các loại điện năng khác như năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân vẫn được tính đến trong Quy hoạch điện VII, nhưng với tiến độ ở chừng mực nhất định.

Rõ ràng, ở đây mọi tình hình đều được lý giải bởi lý do quan trọng nhất: “Cái khó bó cái khôn”.

Trần Minh