- Nhìn lại các vụ mất nguồn phóng xạ trong hơn mười năm qua, nhìn thấy hàng nghìn thiết bị dùng nguồn phóng xạ đang rải rộng khắp nơi trong cả nước… tất cả như những lời cảnh báo đòi hỏi phải hành động khẩn trương.

7 năm 12 vụ mất nguồn phóng xạ

{keywords}
Nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Nhà máy thép Pomina 3, Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Ngày 23.12.2003, hơn 10 năm trước đây, một hộp chứa nguồn phóng xạ Cesium Cs-137 thuộc Công ty cổ phần Xi măng Việt Trung (ở thôn Cổ Động, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã bị mất. Nguồn phóng xạ Cesium Cs-137 này là một thành phần quan trọng nhất của một bộ phát tia gamma được dùng để đo mức Clinke phục vụ việc xả tự động. Nguồn Cs-137 có chu kỳ bán rã 30,17 năm (dài gấp hơn 5 lần chu kỳ bán rã của Co-60) và phát tia gamma với năng lượng 0,6617 MeV (bằng ½ năng lượng bức xạ của Co-60).

Hộp chứa nguồn phóng xạ nói trên được sản xuất năm 1990 tại nước Nga, có dạng hình hộp chữ nhật với kích cỡ (100 x 120 x 100) mm. Vỏ ngoài hộp được sơn màu ghi xám, cả ba mặt hộp đều có ký hiệu phóng xạ.

Ngoài ra. còn hộp bảo vệ an toàn bao bọc hộp chứa nguồn phóng xạ khi không sử dụng có 5 mặt với kích thước khoảng (200 x 200) mm. Vỏ ngoài là một lớp tôn đen sơn màu nâu chống gỉ, bên trong thành hộp có bọc tấm chì bốn mặt dày khoảng 5-6 mm. Riêng hộp bảo vệ an toàn này có trọng lượng khoảng 5-7 kg.

Sau khi phát hiện bị mất hộp chứa nguồn phóng xạ phát tia Gamma nói trên, Công ty đã thực hiện ngay các thủ tục: Lập biên bản và tổ chức tìm kiếm trong toàn Công ty. Lập công văn báo cáo với Cơ quan Công an Phường Tân Hoà, Công An thị xã Hoà Bình. Đến 17 giờ chiều 13/8, tức một tuần sau khi phát hiện mất nguồn phóng xạ, Công ty có báo cáo gởi cho Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ thuộc Bộ KH&CN.

Nhưng cho đến nay các cuộc tìm kiếm đều không mang lại kết quả và nguồn phóng xạ cho đến nay vẫn được xem là bị mất.

- Ngày 26.5.2005, tại Viện Công nghệ Xạ hiếm (ở giữa nội thành Tp. Hà Nội) thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (trực thuộc Bộ KH&CN), một công nhân đã đánh cắp chiếc hộp sắt rồi bán cho người thu mua đồng nát và người này chuyển về cửa hàng phế liệu trên đường Bạch Đằng, Hà Nội. Chiếc hộp sắt chứa đồng vị phóng xạ Europium Eu-152. Một lượng đồng vị phóng xạ Eu-152 ở dạng bột trắng chứa trong hộp sắt, có hoạt độ phóng xạ 14 mili Curi, khối lượng 54,8 mg và được sản xuất tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào tháng 10.1995.

Chiếc hộp chứa phóng xạ Eu-152 trên đã bị đập vỡ ra để lấy phế liệu. Tiếp theo, một cơn mưa xảy ra ở khu vực này kéo theo và làm tiêu tán lượng phóng xạ Eu-152. Nhận được thông tin xảy ra ở Viện Công nghệ Xạ hiếm, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Cục Bảo vệ An ninh Kinh tế (Bộ Công an) xác định đối tượng lấy cắp hộp sắt. Đồng thời các đơn vị kỹ thuật của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Viện Công nghệ Xạ hiếm, Viện NLNT Việt Nam và Cục Kiểm soát & An toàn bức xạ hạt nhân đã tiến hành đo đạc và đánh giá độ nhiễm bẩn môi trường tại địa điểm rò rỉ nguồn phóng xạ là không đáng kể…

Từ đó đến nay, sau đúng 10 năm, vẫn không có dấu vết gì thêm về nguồn phóng xạ bị mất cắp và “không thu hồi lại được” này.

- Ngày 17.5.2006, cũng ở Viện Công nghệ Xạ hiếm nói trên, trong quá trình sửa chữa các gian phòng kho ở tầng 6, đã chuyển một nguồn nguồn đồng vị phóng xạ từ một trong các gian này sang gian phòng bên cạnh.

Đến 12 ngày sau, vào ngày 29.5.2006, lãnh đạo cơ quan viện này mới phát hiện ra nguồn đồng vị phóng xạ trên bị mất do những người buôn đồng nát lấy trộm.

May sao, sau đó nguồn phóng xạ này đã được tìm thấy và thu hồi.

- Ngày 30.7.2006, tại Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà, trong khi tiến hành sửa chữa thiết bị đáy một Lò Nung (vị trí đặt thiết bị tia gamma), bộ nguồn phóng xạ phát gama được tháo khỏi vị trí điều khiển, chuyển đặt tại vị trí sàn bê tông của đáy Lò Nung và được bảo quản đậy kín bằng hộp bảo vệ chuyên dùng với vỏ ngoài bằng tôn và mặt trong bằng các tấm chì.

Đến 9 giờ 30 sáng ngày 8.8.2006, trong khi tiến hành kiểm tra các thiết bị và chuẩn bị lắp lại vào vị trí vận hành thì nguồn phóng xạ gamma bị phát hiện đã mất cùng với cả hộp bảo vệ an toàn cho nó.

Ngay sau xảy ra sự cố, Công ty đã lập biên bản và tổ chức tìm kiếm trong toàn Công ty, gửi công văn báo cáo với Cơ quan Công an Phường Tân Hoà, Công An thị xã Hoà Bình để có biện pháp phối hợp truy tìm những thứ hệ trọng bị mất. Công ty cũng đã báo cáo cho Cục Kiểm soát An toàn Bức xạ muộn hơn, vào 17 giờ chiều ngày 13.8.2007.

Nhưng kết quả cho đến nay, gần 10 năm trôi qua tính từ lúc phát hiện mất nguồn phóng xạ, vẫn là: chưa tìm thấy được bộ nguồn phóng xạ lẫn hộp bảo vệ an toàn.

- Ngày 28.12.2007, khoảng từ 11 giờ 30 đến 13 giờ, Công ty TNHH Anpha - nhà thầu phụ của Công ty PTSC M&C - trong khi thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh phóng xạ kiểm tra các mối hàn tại giàn khoan BOD đã phát hiện bị mất nguồn phóng xạ. Đến khoảng 15 giờ, Công ty Alpha mới báo sự cố với Phòng An toàn của Công ty PTSC M&C và ngay lúc đó công ty đã thông báo dừng làm việc, phong tỏa khu vực và sơ tán công nhân để tìm kiếm nguồn phóng xạ.

May mắn là sau đó không lâu, nguồn phóng xạ thất lạc đã được tìm thấy.

- Ngày 12/09/2014 một thiết bị chụp ảnh với nguồn phóng xạ Iridium Ir-192 có hoạt độ 42,45 Curie (Ci) của Công ty Apave bị mất cắp trong nhà trọ có địa chỉ số 521/67/60A, đường Nguyễn Đình Khơi, Phường 4, Quận Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh.

Nguồn phóng xạ trên đây có thể được xếp vào loại IV (hay số 4) dựa trên bảng phân loại về mức độ nguy hiểm phóng xạ của quốc tế. Vụ mất thiết bị chụp ảnh phóng xạ này đã gây ra sự lo lắng và xôn xao trong dư luận trong cả nước.

May mắn là nguồn phóng xạ vẫn giữ nguyên, chất đồng vị phóng xạ nguy hiểm Iridium Ir-192 vẫn nằm nguyên trong hộp đựng bảo vệ bằng kim loại nặng, chưa tác động đến những người tiếp xúc.

Và sau 6 ngày truy tìm tích cực bởi lực lượng công an, những cán bộ liên quan và đông đảo quần chúng, thiết bị bị mất nói trên được phát hiện tại một căn phòng trọ nằm trong hẻm 111, đường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.

- Về vụ mất nguồn phóng xạ gần đây nhất ở Nhà máy thép Pomina 3 - chi nhánh của POM ở Bà Rịa-Vũng Tàu, các con số về ngày và thậm chí cả về tháng bị mất đều chưa biết thật chính xác. Chỉ biết nguồn có thể mất vào tháng 11 năm 2014 (và cũng không loại trừ xảy ra trước đó nữa, tận tháng 9/2014) nhưng mãi đến ngày 25/03/2015 Ban Tổng giám đốc Nhà máy thép Pomina 3 - chi nhánh của POM mới biết tin về việc nguồn phóng xạ bị mất cắp trong kho lưu giữ và ngày 1/4/2015 mới báo lên Sở Khoa học & Công nghệ và Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy, thời gian từ khi mất nguồn cho đến nay có thể lên đến 3-4 tháng hay thậm chí có thể đến cả nửa năm.

Nguồn bị mất chứa đồng vị phóng xạ Cobalt Co-60 với hoạt độ phóng xạ khoảng 2,5mCi. Đồng vị Co-60 có chu kỳ bán rã 5,272 năm và phát hai loại tia gamma với cường độ gần như nhau với năng lượng 1,1732 MeV và 1,3325 MeV. Nguồn này được lắp trong máy đo công nghiệp để đo mức thép trong quá trình luyện và về mức độ an toàn bức xạ có thể xếp vào loại IV (số 4).

Khi biết thông tin mất nguồn, sáng ngày 6.4.2015 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo bằng mọi giá phải tìm kiếm được nguồn phóng xạ bị thất lạc trong thời gian sớm nhất. Nhưng đến lúc này nguồn phóng xạ bị mất vẫn chưa được tìm ra.

Những cảnh báo

{keywords}

Nguồn phóng xạ di động của Công ty Apave được lắp thiết bị định vị. Ảnh: Thesaigontimes.vn

Như vậy, ngót 12 năm qua, trên nước ta xảy ra 7 vụ mất nguồn phóng xạ, gần như cứ 2 năm xảy ra 1 vụ; trong đó có 4 vụ hoặc mất hẳn hoặc đến nay chưa tìm thấy và 3 vụ đã tìm thấy được.

Nhưng ở đây, có thể đặt dấu hỏi liệu có vụ việc mất phóng xạ nào bị bỏ sót mà không được báo cáo. Rất có thể? Vấn đề này phải được các nhà quản lý xí nghiệp sử dụng kỹ thuật phóng xạ và các cơ quan kiểm soát an toàn phóng xạ các cấp xem xét, không thể bỏ qua.

Một điều đáng tiếc và cũng đáng ngạc nhiên là, ở một cơ quan nghiên cứu đúng chuyên ngành “hóa phóng xạ” (cấp dưới của Bộ KH&CN) lại để cho những người buôn “phế liệu” vào “tận nơi” những 2 lần, lần đầu mua qua một công nhân và lần sau trực tiếp đánh cắp hộp chứa nguồn phóng xạ. Điều này lại càng đòi hỏi cơ quan chủ quản bổ sung, cải tiến luật lệ và nề nếp quản lý hơn nữa để làm gương cho các ngành liên quan hoặc cấp dưới.

Cần lưu ý thêm rằng, hiện nay trên cả nước số nguồn phóng xạ dùng trong các máy di động công nghiệp (như kiểm tra mối hàn, máy phân tích mật độ trong các lỗ khoan …), máy kiểm tra hoặc điều chỉnh mức chất lỏng trong các xí nghiệp… có thể lên đến cả ngàn đơn vị. Điều này đòi hỏi việc bảo quản các thiết bị nguồn phóng xạ càng phải được đề cao và luôn được các cấp kiểm tra, nhắc nhở.

Và điều không thể chậm trễ là tiến hành thiết lập hệ thống định vị cho các nguồn phóng xạ trên phạm vi cả nước. Một hệ thống RADLOT (Radiation Source Location Tracking System) như vậy cho phép theo dõi tức thời địa điểm và tình trạng các thiết bị có sử dụng nguồn phóng xạ.

Từ năm 2012, tại Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân tại Seoul (Hàn Quốc), các nước Hàn Quốc, Việt Nam và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã xem xét và thống nhất triển khai một dự án có tên “Dự án thí điểm thiết lập Hệ thống định vị nguồn phóng xạ” tại Việt Nam. Đến đầu năm 2014 một văn bản khác nữa đã được ký kết tại Vienne (Áo) với quyết định triển khai thí điểm ở Việt Nam vào năm 2015. Tình hình bức thiết hiện nay đòi hỏi việc tăng tiến độ triển khai dự án quốc tế trên đây.

Mặt khác, có lẽ cũng không nên loại trừ việc mở ra các kênh khác nhau với các hệ RADLOT khác nhau và cho các khu vực khác nhau. Một vài thiết bị dùng đồng vị phóng xa vừa bắt đầu nối vào hệ RADLOT ở Tp. Hồ Chí Minh là một ví dụ về xu hướng này. Với hướng đi đó, tốc độ triển khai chủ trương lắp đặt thiết lập hệ thống định vị cho cả vài ngàn dụng cụ, máy móc chứa nguồn phóng xạ trên phạm vi cả nước hy vọng sẽ được đẩy nhanh hơn lên.

Tóm lại, những sự cố mất nguồn liên tiếp trong cả nước hơn 10 năm qua, sự việc sốt dẻo ở Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh vừa xảy ra cuối năm rồi và sự kiện nóng bỏng đang diễn ra ở Bà Rịa-Vũng Tàu không thể không làm mọi người, mọi cấp quan tâm và lo nghĩ. Tất cả như một lời cảnh báo đòi hỏi các cơ quan, các ngành, mọi người liên quan phải hành động nghiêm túc và khẩn trương.

Minh Trần