Trong một năm bội thu các khám phá và thành tựu khoa học như 2014, sự kiện tàu thăm dò của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đổ bộ thành công xuống sao chổi được coi là đột phá ấn tượng nhất năm, theo bình chọn của tạp chí Science. Các nhà khoa học xem đây là “bước tiến lớn của nền văn minh nhân loại”, ví như sự kiện con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.

.

Hãy cùng tạp chí Science điểm ngược lại 10 thành tựu khoa học được coi là quan trọng nhất năm 2014:

Sự ra đời của chim

Chim chính là các khủng long đang còn sống trên Trái đất và sự chuyển đổi đó chính là một bước quá độ ngoạn mục trong lịch sử sự sống. Năm 2014, các nhà khoa học đã nghiên cứu cả các hóa thạch và chim hiện đại để tìm hiểu xem một nhóm khủng long đã trở nên nhỏ hơn và thích nghi hơn như thế nào. Sự thay đổi xảy ra tương đối nhanh, tạo tiền đề cho sự xuất hiện bùng nổ của các loài chim - sự ra đời của chim hiện đại. 

Máu trẻ chữa già - cách chống lão hóa kiểu ma cà rồng

Các nhà nghiên cứu đã kết dính 2 con chuột với nhau: một con chuột trẻ và một con chuột già với các hệ tuần hoàn nối liền. Sự kết nối này đã tái sinh bộ não và các cơ của con chuột già hơn. Dường như, máu trẻ chứa đựng một yếu tố có thể đảo ngược đồng hồ lão hóa.

Robot hợp tác

Năm nay, nhiều nhóm nghiên cứu đã chứng minh các robot, giống như con người, có thể hợp tác nhiều hơn bằng cách làm việc cùng nhau. Trong một nghiên cứu, hơn 1.000 robot đã phối hợp với nhau thành một đội đồng diễn nhịp nhàng, tạo thành ô vuông, các chữ cái và hình dạng khác nhau. Một nhóm khác lấy cảm hứng từ các con mối để thiết kế nên những con robot mạnh mẽ, có khả năng cộng tác xây dựng các cấu trúc 3D.

Vi mạch mô phỏng bộ não

Các nhà nghiên cứu về vi mạch máy tính (chip) rốt cuộc đã tạo ra một bước đột phá. Vào năm 2014, họ đã chế tạo các vi mạch hình thái thần kinh (neuromorphic) quy mô lớn đầu tiên. Những vi mạch này được thiết kế để xử lý thông tin theo những cách giống một bộ não sống hơn.

Các vi mạch này có thể khiến các cỗ máy thực hiện những nhiệm vụ tri giác dễ dàng hơn, chẳng hạn như khả năng thị giác cho máy móc, giám sát môi trường hay tích hợp dữ liệu thời gian thực từ các cảm biến khắp toàn cầu.

Các tế bào có thể chữa được bệnh tiểu đường

Các nhà nghiên cứu về tế bào gốc năm 2014 đã đạt được một mục tiêu mà họ tím kiếm từ lâu: biến các tế bào gốc của người thành các tế bào giống tế bào β trong tuyến tụy, chuyên sản sinh insulin, một hoóc môn cho phép các tế bào tiếp nhận và sử dụng glucose. Nếu các tế bào quan trọng này bị khuyết thiếu, con người sẽ bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.

Hiện, các bác sĩ vẫn chưa thể cấy ghép các tế bào β mới vào cơ thể bệnh nhân do chúng bị từ chối vì không tương thích. Tuy nhiên, đột phá mới giúp chúng ta đang tiến gần hơn tới một phương pháp chữa trị bệnh tiểu đường tuýp 1 hiệu quả.

Phát hiện "đối thủ" của tranh hang động châu Âu

Khi nói về tranh hang động cổ, các nhà nghiên cứu tin rằng, châu Âu là nơi sở hữu các mẫu lâu đời nhất thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2014, các nhà nghiên cứu tuyên bố đã phát hiện trong các hang động Maros trên đảo Sulawesi của Indonesia nhiều mẫu tô và tranh vẽ mà họ tin là tới 35.000 năm tuổi. Khám phá này ám chỉ, người hiện đại đã tương đối sáng tạo vào thời điểm họ bắt đầu rời khỏi châu Phi để tới định cư ở những nơi khác trên thế giới.

Thao túng ký ức

Năm 2014, các nhà khoa học não đã có một khám phá rất thú vị. Họ đã có thể cài cắm các ký ức giả vào bên trong đầu những con chuột. Để làm được điều đó, họ thao túng các tế bào thần kinh bằng ánh sáng. Và trong năm 2014, họ còn đẩy phương pháp này tiến xa hơn nữa. Họ sử dụng kỹ thuật tương tự để biến các ký ức tốt đẹp thành các ký ức đáng sợ và ngược lại, tức là biến các ký ức tồi tệ thành những ký ức dễ chịu hơn.

Sự trỗi dậy của các vệ tinh CubeSat

Trong năm 2014, giới nghiên cứu đã phóng một số lượng kỷ lục các vệ tinh CubeSat vào không gian. CubeSat là một loại vệ tinh cỡ nhỏ, chi phí thấp nhưng đang bắt đầu thực hiện các hoạt động khoa học thực sự. Ưu điểm rẻ tiền và dễ phóng khiến chúng có thể chở theo các thiết bị cảm biến vô cùng mạnh mẽ. Điều này có nghĩa, trong tương lai, việc đưa vệ tinh CubeSat lên quỹ đạo có thể đảm đương được nhiệm vụ vốn đang đòi hỏi một cỗ máy phức tạp, đắt tiền.

Mở rộng bảng mã di truyền

Mã ADN thường chỉ bao gồm 4 chữ cái G, C, A và T. Sự sống trên Trái Đất ở mọi tính đa dạng hiện được mã hóa bởi 2 cặp mã di truyền gốc đặc thù là A-T và C-G. Tuy nhiên, năm 2014, các nhà nghiên cứu đã tăng thêm một cặp chữ cái mới vào bảng mã là X và Y. Họ cũng tìm được cách đưa cặp mã tăng thêm này vào vật liệu sống. Bước tiếp theo, họ muốn dùng cặp mã mở rộng này để mã hóa các amino axit, vốn thường là một phần của các protein do sinh vật tạo ra. 

Đổ bộ xuống sao chổi - Đột phá của năm 2014

Đó là âm thanh của một sao chổi, do tàu thám hiểm Rosetta của Cơ quan vũ trụ châu ÂU (ESA) ghi lại được. Vào tháng 8/2014, sau chuyến đi kéo dài 10 năm, Rosetta đã trở thành tàu thám hiểm đầu tiên bay quanh quỹ đạo một sao chổi. Đến tháng 11, Rosetta lại một lần nữa lập kỳ tích: thả thành công một robot thăm dò Philae lên bề mặt sao chổi Chury. Tuy nhiên, cuộc đổ bộ này vô cùng khó khăn, khiến Philae bị bật nảy lên và cuối cùng đáp xuống ở một nơi cách xa địa điểm dự kiến ban đầu, khiến nó không thể sạc được các tấm pin mặt trời. Dẫu vậy, robot thăm dò vẫn thu thập được nhiều thông tin trước khi các tấm pin của nó cạn kiệt.

Hiện tại, tàu thám hiểm Rosetta đang bám đuổi sao chổi và sẽ tìm hiểu về bụi, khí, ... khi sao chổi ở gần Mặt trời. Các kết quả thu được sẽ tiết lộ cho các nhà khoa học biết việc hệ mặt trời đã hình thành như thế nào và cái gì đã đưa nước tới Trái đất.

Tuấn Anh (Theo Science)