Viện nghiên cứu môi trường Nhật Bản (NIES) ngày 21/2 đã đưa ra kết luận rằng nhiều khả năng tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc trong bối cảnh các dữ liệu môi trường Nhật Bản thời gian qua liên tục hiển thị nồng độ phân tử PM 2.5 độc hại vượt ngưỡng cho phép tại nhiều nơi trên khắp nước Nhật.

Cụ thể, trên phạm vi 31% lãnh thổ Nhật Bản, nồng độ chất PM 2.5 đo được trong ngày 31/1 đều vượt quá giá trị tiêu chuẩn mà Bộ Môi trường Nhật Bản đề ra.

Người dân Bắc Kinh đang phải sống chung với khói bụi. Ảnh: News.cn.

NIES cho rằng ảnh hưởng của các rãnh áp thấp và gió lục địa mang theo cát vàng mà nồng độ PM 2.5 sẽ còn ở mức cao cho đến tận tháng 5/2013.

Viện này đã tiến hành phân tích dữ liệu tổng hợp dựa trên tình hình thời tiết, dân số và lượng tiêu thụ nhiên liệu ở các nước châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, liên quan đến sự phát sinh chất PM 2.5 bên cạnh các gia trị đo đạc trung bình trên toàn quốc từ ngày 5-31/1.

Nồng độ khói bụi phân bố thấp dần từ Tây sang Đông. Cụ thể, vùng Kyushu là 22 microgram (µg), Kinki là 16 µg, Kanto13 µgvà Hokkaido là 10µg.

Thành phần các chất ô nhiễm phát hiện được vẫn đang trong giai đoạn phân tích nhưng từ những đặc trưng thu được, NIES xác định khả năng xảy ra tình trạng ô nhiễm vượt biên giới là rất cao.

Trong khi đó, dữ liệu quan trắc thu được từ 169 trạm đo trên cả nước từ ngày 1/1-5/2 cho thấy trong số 24 tình thì có tới 19 tỉnh từ Yamagata đến Kagoshima nồng độ PM 2.5 đều vượt quá tiêu chuẩn. Riêng ngày 31/1, có tới 48 địa điểm trên tổng số 155 địa điểm đo đạc đang hoạt động phát hiện các chỉ số vượt ngưỡng.

Bản đồ dự báo tình trạng ô nhiễm phân tử PM 2.5 ở châu Á trong ngày 22/2/2013. Ảnh: SRINTERS Aerosol Forecast.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường toàn cầu Toshimasa Ohara khẳng định “nồng độ ô nhiễm có xu hướng tăng cao mang tính cục bộ tại các khu đô thị”.

Ông cho rằng “cũng không phải tất cả khí ô nhiễm đều khởi nguồn từ Trung Quốc do vậy Nhật Bản cũng cần có các biện pháp ứng phó với tình hình môi trường trong nước”.

Theo Vietnamplus.